Luyện tập
Bài tập 1: trang 65 sgk Ngữ Văn 11 tập một
Đọc diễn cảm bài văn tế
Bài tập 2: trang 65 sgk Ngữ Văn 11 tập một
Nói về quan niệm sống của ông cha ta thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: "Cái sống được cha ông ta quan niệm là không thể tách rời với hai chữ nhục, vinh. Mà nhục hay là vinh là sự đánh giá theo thái độ chính trị đối với cuộc xâm lược của Tây: đánh Tây là vinh, theo Tây là nhục".
Anh (chị) hãy viết một đoạn văn ngắn phân tích những câu trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thể hiện đầy đủ, sâu sắc triết lí nhân sinh đó.
Bài Làm:
Các bạn tham khảo dàn ý sau để viêt đoạn văn
- Giải thích nhận định của Giáo sư Trần Văn Giàu: "Cái sống được cha ông ta quan niệm là không thể tách rời với hai chữ nhục, vinh. Mà nhục hay là vinh là sự đánh giá theo thái độ chính trị đối với cuộc xâm lược của Tây: đánh Tây là vinh, theo Tây là nhục" về quan niệm sống của ông cha ta thời kì đầu kháng chiến chống Pháp
- Truyền thống yêu nước, đánh giặc của ông cha ta đã có từ lâu đời (suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước). Trong thời kì ấy, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, vận mệnh dân tộc đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc nên giữ vững nền độc lập dân tộc chính là nhiệm vụ cấp thiết của dân tộc.
- Quan niệm sống của cha ông ta thời ấy không thể tách rời chữ vinh và nhục. Vinh tức là đánh Tây, chống lại sự xâm lược thì dù chết, vẫn là vinh. Còn nhục là khi theo Tây, chịu cúi đầu trước kẻ thù thì dù có sống cũng chỉ là sống nhục.
=> Thái độ kiên quyết, rõ ràng và quan niệm sống vinh - nhục đã biểu hiện cho lòng quyết tâm và ý chí đánh đuổi giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Những câu nói trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thể hiện đầy đủ, sâu sắc triết lí nhân sinh đó:
- Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao; một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ
- Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ
- Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu đầu Tây, ở với man di rất khổ.
- Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện trả thù kia
=> Quan niệm về sống vinh - nhục của những người nghĩa sĩ nông dân cũng chính là quan niệm sống của nhân dân ta thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ là những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cả cuộc đời chỉ biết làm ruộng chăm chỉ để kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng chứng kiến sự bạo tàn, ngang ngược của thực dân Pháp, những con người ấy đã dũng cảm đứng lên chống lại. Trong tay họ chỉ có những vũ khí thô sơ, là cây gậy tầm vông, dao phay, con rơm, con cúi nhưng họ cũng khiến cho giặc khiếp sợ. Và dù, kết quả của cuộc chiến là họ phải hi sinh tính mạng của mình nhưng tiếng vang của họ vẫn còn mãi. Những con người ấy thà chết chứ không chịu khuất phục dưới gót giày của kẻ xâm lược. Họ chết trong vinh quang chứ nhất định không chịu sống trong nhục nhã, cúi đầu khúm núm với những kẻ ngoại lai ngay trên mảnh đất của ông cha mình.