Phần tham khảo mở rộng
Câu 1: Trình bày những nội dung chính trong bài: "Thao tác lập luận so sánh". Bài học nằm trong chương trình ngữ văn 11 tập 1.
Bài Làm:
A. Ngắn gọn những nội dung chính
1. Ngắn gọn kiến thức trọng tâm.
- Mục đích của so sánh là làm sáng tỏ đối tượng đang nghiên cứu trong tương quan với đối tượng khác. So sánh đúng làm cho bài văn nghị luận sáng rõ, cụ thể, sinh động và có sức thuyết phục.
- Khi so sánh, phải đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí mới thấy được sự giống nhau và khác nhau giữa chúng, đồng thời phải nêu rõ ý kiến, quan điểm của người nói (người viết).
B. Nội dung chính cụ thể
1. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận so sánh
- Thao tác lập luận so sánh là một thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc là các mặt của một sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật hoặc một sự vật mà mình quan tâm.
- Tác dụng của lập luận so sánh là nhằm nhận thức nhanh chóng đặc điểm nổi bật của đối tượng và cùng lúc hiểu biết được hai hay nhiều đối tượng.
- Mục đích của thao tác lập luận so sánh: Trong thế giới khách quan, nhiều sự vật, hiện tượng có những điểm chung và liên quan mật thiết với nhau, nhưng vẫn có những nét riêng. Tiến hành so sánh là nhằm tìm ra những nét giống và khác nhau giữa các đối tượng để có được những nhận xét đánh giá chính xác về chúng.
- Yêu cầu của so sánh: Khi so sánh phải đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí mới thấy được sự giống và khác nhau giữa chúng, đồng thời phải nêu rõ ý kiến của người viết.
2. Cách so sánh
- Trước hết là cần xác định đối tượng nghị luận từ đó tìm một đối tượng tương đồng hay tương phản, hoặc cần so sánh hai đối tượng cùng lúc
- Chỉ ra những điểm giống nhau giữa các đối tượng.
- Dựa vào nội dung cần tìm hiểu, chỉ ra điểm khác biệt giữa các đối tượng.
- Xác định giá trị cụ thể của các đối tượng.
VD1: So sánh hai bài thơ “Cảnh khuya” và “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh.
Giống nhau:
- Đều được sáng tác ở Việt Bắc những năm đầu chống Pháp.
- Đều làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt.
- Đều miêu tả cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc.
- Đều bộc lộ tâm hồn yêu thiên nhiên, lòng yêu nước, phong thái ung dung, tự tại, sự kết hợp giữa tâm hồn nghệ sĩ và chiến sĩ của Bác.
Khác nhau:
- Bài Cảnh khuya viết bằng tiếng Việt, Là ảnh trăng rừng lồng vào vòm cây hoa lá nhiều tầng, nhiều đường nét. Nhà thơ một mình ngắm trăng và cảm nhận vẻ đẹp của trăng trong đêm khuya
- Bài Rằm tháng giêng viết bằng tiếng Hán. Bài Rằm tháng giêng là trăng trên sông nước, không gian bát ngát, tràn đầy sắc xuân. Nhà thơ cùng đồng chí của mình bàn việc quân.
VD2: Hình ảnh trăng trong ba bài thơ: Đồng chí của Chính Hữu, Ánh trăng của Nguyễn Duy. Với bài này, chắc chắn chúng ta sẽ sử dụng chủ yếu là lập luận so sánh:
* Điểm giống nhau:
- Đều là hình ảnh thiên nhiên đẹp, thơ mộng.
- Đều là sự vật gần gũi, là người bạn thân thiết với con người.
* Điểm khác nhau:
a) Trăng trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:
- Trăng hiện lên trong đêm phục kích chờ giặc của những người lính.
- Trăng như một chứng nhân của tình đồng chí đồng đội giữa những người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu gian khổ.
- Trăng là hình ảnh vừa hiện thực vừa lãng mạn, là biểu tượng cho sự thanh bình của cuộc sống, là chất thơ vút lên giữa hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.
- Trăng còn thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ: lạc quan và lãng mạn.
b) Trăng trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy:
- Trăng gắn liền với những kỉ niệm của cuộc đời một người lính.
- Trong quá khứ: Gắn với tuổi thơ hồn nhiên của nhân vật trữ tình; là “tri kỉ” của tác giả những tháng năm chiến tranh.
- Trong hiện tại: Là “người dưng” đột ngột gặp lại trong một đêm thành phố mất điện, khiến nhà thơ giật mình, day dứt và suy ngẫm về cách sống hiện tại của mình. Ánh trăng thức tỉnh lương tâm, nhắc nhở con người không được lãng quên quá khứ, phải sống ân nghĩa, thuỷ chung.
Vầng trăng trong Đồng chí chỉ hiện ra trong những khoảnh khắc còn vầng trăng trong Ánh trăng lại gắn bó với một đời người: Quá khứ, hiện tại và có lẽ cả tương lai.
Nếu như vầng trăng trong Đồng chí soi vào phần tươi đẹp của cuộc sống con người, vào phần chính diện của cuộc đời, thì Ánh trăng lại soi rọi vào góc khuất tâm hồn con người để thức tỉnh lương tri, giúp người ta biết sống ân nghĩa, thuỷ chung.