Câu 4: Chép lại hai câu thơ nói về vẻ đẹp của trăng trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng của Hồ Chí Minh. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả. Qua hình ảnh trăng, em cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp tâm hồn của Bác?
Bài Làm:
Trăng là nguồn thi hứng bất tận của những người làm thơ, yêu thơ. Ánh trăng luôn mang tới cho người nghệ sĩ những cảm xúc mới lạ. Và với người nghệ sĩ Hồ Chí Minh, trăng trong thơ của Người luôn mang một vẻ đẹp tròn đầy, tinh tế. Hai câu thơ miêu tả trăng trong bài Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng đã phần nào nói lên vẻ đẹp tâm hồn người thi sĩ ấy.
Cả hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng đều được Bác viết ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Đây là khoảng thời gian mà thực dân Pháp chuẩn bị lực lượng để tiêu diệt cơ quan đầu não của ta, là thời kì căng thẳng của chiến sự, nhưng đọc thơ Bác, ta vẫn thấy hình ảnh thiên nhiên hiện lên thật đẹp:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Thiên nhiên hiện lên trong bài Cảnh khuya không chỉ có tiếng suối róc rách chảy hóa thành tiếng hát trong trẻo, trầm bổng của người nghệ sĩ mà còn hiện lên với ánh trăng tràn ngập. Điệp từ “lồng” xuất hiện tới hai lần chỉ trong một câu thơ đã tạo ra một hình ảnh vô cùng độc đáo. Ánh trăng sáng chiếu xuống mặt đất, xuyên qua từng tán cây, kẽ lá tạo thành từng đốm sáng lấp lánh như những bông hoa trong đêm đen dày đặc. Không gian được Bác phác họa chỉ bằng vài nét bút tinh tế: Ánh trăng tràn ngâp khắp không gian như một lớp vàng được dát mỏng. Xa xa vọng lại là tiếng suối róc rách chảy. Cái yên lặng của màn đêm bỗng chốc trở thành bức phông nền hoàn hảo để thiên nhiên bộc lộ hết vẻ đẹp của mình. Vậy là, trăng trong thơ Bác là trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của thiên nhiên.
Đâu chỉ dừng lại ở đó, trăng trong thơ Bác còn là một người bạn tri âm, tri kỉ trong suốt cuộc hành trình đấu tranh gian khổ của người chiến sĩ cách mạng:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”
Giữa lúc việc quân đang bận, kẻ thù đang chuẩn bị tấn công, mọi gánh nặng, lo toan nỗi nước nhà đè nặng lên đôi vai gầy của Bác, trăng vẫn xuất hiện, đều đặn, không hẹn trước. Trăng hiện lên trong bài thơ Rằm tháng Giêng là ánh trăng của ngày Rằm, tròn trịa, trong trẻo và ánh sáng của trăng lúc này là đẹp nhất, sáng nhất. Ánh trăng ấy được Bác miêu tả qua từ láy “lồng lộng” gợi ra một không gian rộng, mênh mông của những cánh rừng Việt Bắc bạt ngàn mà tràn ngập chỉ có màu vàng của ánh trăng. Trăng dường như xuất hiện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống, trong thơ của Bác, như một người bạn tri kỉ lặng lẽ ở bên cạnh, dõi theo từng bước chân của Bác. Hình ảnh của người bạn tri kỉ ấy, đâu chỉ một lần trở nên chân thực và sinh động trong thơ Bác? Ta đã bắt gặp ánh trăng nũng nịu, trách móc hờn dỗi chỉ vì Bác bận việc công mà chưa kịp “trả thơ” cho trăng:
“Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”
Những câu thơ miêu tả ánh trăng trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng khiến người đọc cảm nhận được những nét đẹp tinh tế trong tâm hồn của người chiến sĩ - thi sĩ Hồ Chí Minh. Ánh trăng trong thơ Bác là biểu tượng cho khao khát tự do, hòa bình, độc lập của người chiến sĩ cộng sản. Suốt cả cuộc đời mình, Bác có mong muốn tột cùng là làm thế nào để nhân dân được tự do, làm thế nào để nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Suy nghĩ ấy trở đi trở lại trong tâm trí của Bác khiến Người luôn trăn trở. Có lẽ vì thế mà Người luôn khao khát đến cháy bỏng tự do: mất tự do về thân thể những lúc bị cầm tù Bác lại tìm đến trăng, tìm đến thiên nhiên để có được sự tự do trong tâm hồn. Cũng vì thế mà thiên trong thơ Bác ánh trăng luôn soi rọi. Bởi trăng là biểu tượng của hòa bình, là thứ ánh sáng hiền hòa làm dịu mát tâm hồn của những con người đang sục sôi và bức bối vì hoàn cảnh thực tại. Ánh trăng là biểu tượng cho tinh thần lạc quan của cách mạng. Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, không ít lần Bác bị bắt giam, bị cầm tù, bị tra tấn bị đày đọa trải qua muôn vàn khổ đau. Người cũng chứng kiến và nhận ra chân lí của cách mạng rằng ở đâu tầng lớp thống trị cũng là kẻ bóc lột, ở đâu người dân lao động cũng là người chịu kiếp sống lầm than, bị vùi dập, chà đạp xuống tận cùng của xã hội. Thế nhưng, nhà tù chỉ có thể giam cầm thân thể chứ không thể mài mòn ý chí và niềm tin của con người ấy. Chưa bao giờ Bác đánh mất tự do trong tâm hồn mình. Cũng chưa bao giờ, Bác thôi hi vọng về cuộc sống. Người luôn nhìn hiện tại bằng con mắt lạc quan của người nghệ sĩ và nhìn tương lai bằng con mắt của sự tin tưởng. Trong cảnh khổ ải, khó khăn, bận bịu, lo toan việc nước, Bác vẫn có phong thái ung dung, lạc quan, yêu đời, hòa mình vào thiên nhiên:
“Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát, trăng ngân đầy thuyền”
Ánh trăng vừa lan tỏa, phủ đầy khắp không gian lại vừa quy tụ lại trên con thuyền. Vẻ đẹp của vầng trăng được ghi lại đầy thơ mộng, hòa hợp với tấm lòng người ngắm trăng với niềm tin sắt đá vào thắng lợi trong tương lai.
Có thể nói, những câu thơ nói về vẻ đẹp của trăng trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng đã khắc họa được vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ - thi sĩ Hồ Chí Minh. Ánh trăng trong thơ Bác luôn vận động và phát triển cùng với dòng chảy trôi của lịch sử và dĩ nhiên, nó trở thành biểu tượng đẹp đẽ cho khao khát cháy bỏng về tự do, hòa bình cũng là biểu tượng cho tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.