I. VAI TRÒ VÀ TRIỂN VỌNG CỦA TRỒNG TRỌT
1. Vai trò
- Vai trò của trồng trọt từ thực tiễn cuộc sống bản thân và quan sát thế giới xung quanh:
+ Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ mĩ nghệ, thủ công nghiệp
+ Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nước giải khát, nhiên liệu sinh học
+ Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động
+ Tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa
2. Triển vọng
- Những lợi thế để phát triển trồng trọt ở Việt Nam:
+ Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, có các mùa rõ rệt quanh năm
+ Phần lớn diện tích của nước ta là đất trồng với địa hình rất đa dạng như đồng bằng, trung du, miền núi, cao nguyên, ven biển
+ Có truyền thống nông nghiệp, nhân dân ta cần cù, thông minh và có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt
+ Nhà nước rất quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển trồng trọt.
+ Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, nhiều loại thiết bị, công nghệ hiện đại được ứng dụng trong trồng trọt.
II. CÁC NHÓM CÂY TRỒNG PHỔ BIẾN
- Tên các nhóm cây trồng theo mục đích sử dụng:
+ Cây lương thực
+ Cây rau
+ Cây ăn quả
+ Cây công nghiệp
+ Cây thuốc, cây gia vị
+ Cây hoa, cây cảnh
III. MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC TRỒNG TRỌT PHỔ BIẾN Ở VIỆT NAM
1. Trồng trọt ngoài tự nhiên
- Khái niệm: là phương thức trồng trọt phổ biến và được áp dụng cho hầu hết các loại cây trồng. Mọi công việc trong quy trình trồng trọt đều được tiến hành trong điều kiện tự nhiên.
- Ưu điểm:
+ Tiến hành đơn giản, dễ thực hiện
+ Có thể thực hiện trên diện tích lớn
+ Cây có khả năng thích nghi thời tiết, thân thiện môi trường
- Nhược điểm:
+ Dễ bị tác động bởi sâu, bệnh hại
+ Các điều kiện bất lợi của thời tiết (giá rét, hạn hán, bão, lụt..).
+ Khả năng trồng trái vụ thấp
2. Trồng trọt có mái che
- Khái niệm: là phương thức trồng trọt thường được tiến hành ở những nơi có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, áp dụng đối với những cây trồng khó sinh trưởng, phát triển trong điều kiện tự nhiên.
- Ưu điểm:
+ Cây ít bị sâu, bệnh
+ Có thể tạo ra năng suất cao
+ Chủ động trong việc chăm sóc
+ Có thể sản xuất được rau quả trái vụ, an toàn
- Nhược điểm:
+ Đầu tư lớn
+ Kĩ thuật cao
+ Khả năng thích nghi thời tiết kém
+ Quy mô sản xuất nhỏ
3. Phương thức trồng trọt kết hợp
- Khái niệm: là phương thức kết hợp giữa phương thức trồng trọt ngoài tự nhiên với phương thức trồng trọt trong nhà có mái che.
- Ưu điểm:
+ Cây ít bị sâu, bệnh
+ Có thể tạo ra năng suất cao
+ Chủ động trong việc chăm sóc
+ Có thể sản xuất được rau quả trái vụ, an toàn
- Nhược điểm
+ Phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn
+ Kĩ thuật cao
+ Giá thành cao
IV. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA TRỒNG TRỌT CÔNG NGHỆ CAO
- Ưu tiên sử dụng các giống cây trồng mới cho năng suất cao, chất lượng tốt và thời gian sinh trưởng ngắn
- Đất trồng dần được thay thế bằng các loại giá thể hoặc dung dịch dinh dưỡng, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt hơn
- Ứng dụng ngày càng nhiều các thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm chủ động và nâng cao hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động
- Người lao động có trình độ cao, quy trình sản xuất khép kín từ khâu nghiên cứu, ứng dụng sản xuất đến tiêu thụ nông sản.
V. MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ TRONG TRỒNG TRỌT
1. Kĩ sư trồng trọt
- Khái niệm: là những người làm nhiệm vụ giám sát và quản lí toàn bộ quá trình trồng trọt, nghiên cứu cải tiến và ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật vào trồng trọt nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.
- Phẩm chất: yêu thiên nhiên, yêu thích công việc chăm sóc cây trồng, thích khám phá quy luật sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
2. Kĩ sư bảo vệ thực vật
- Khái niệm: là những người làm nhiệm vụ nghiên cứu và phòng trừ các tác nhân gây hại để bảo vệ cây trồng nhằm giúp trồng trọt đạt hiệu quả cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
- Phẩm chất: yêu thiên nhiên, thích nghiên cứu khoa học, thích khám phá quy luật phát sinh, phát triển của côn trùng và các loài sâu bệnh.
3. Kĩ sư chọn giống cây trồng
- Khái niệm: là những người làm nhiệm vụ bảo tồn và phát triển giống cây trồng hiện có; nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng mới phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
- Phẩm chất: yêu thích cây trồng, thích nghiên cứu khoa học, cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ.