Khám phá
Câu hỏi 1. Tội phạm là gì? Em hãy nêu ví dụ về một số loại tội phạm.
Câu hỏi 2. Cách thức hoạt động phổ biến của tội phạm là gì?
Câu hỏi 3. Thế nào là tội phạm sử dụng công nghệ cao? Cách thức hoạt động phổ biến của chúng là gì?
Câu hỏi 4. Tội phạm sử dụng công nghệ cao bị xử lí như thế nào theo quy định của pháp luật?
Câu hỏi 5. Tệ nạn xã hội là gì? Em hãy quan sát hình 3.2 và nêu khái niệm các tệ nạn: ma túy, mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan.
Câu hỏi 6. Pháp luật quy định như thế nào về phòng, chống các tệ nạn: mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan?
Câu hỏi 7. Công dân có trách nhiệm gì trong phòng, chống tệ nạn xã hội và tội phạm sử dụng công nghệ cao?
Bài Làm:
Câu hỏi 1.
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Một số loại tội phạm như: giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác; hiếp dâm, dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổ chức đua xe, đua xe trái phép; cản trở giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không;…
Câu hỏi 2.
Cách thức hoạt động phổ biến của tội phạm là câu kết thành các băng nhóm, tổ chức; lưu động trên phạm vi một hoặc nhiều tỉnh, thành phố; sử dụng thủ đoạn giả mạo, giả danh, gian dối; sử dụng vũ khí, công cụ, phương tiện; sử dụng công nghệ cao,…
Câu hỏi 3.
- Tội phạm sử dụng công nghệ cao là những hành vi vi phạm pháp luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, sử dụng tri thức, kĩ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông ở trình độ cao cố ý xâm phạm đến trật tự, an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lí hình sự.
- Một số cách thức hoạt động phổ biến của tội phạm sử dụng công nghệ cao:
+ Cài hoặc sao chép cá phần mềm độc hại vào các công cụ lưu trữ, thiết bị kết nối máy tính.
+ Chiếm đoạt quyền quản trị hệ thống, can thiệp vào dữ liệu hoặc hệ điều hành, ngăn chặn truyền tải dữ liệu
+ Khai thác các lỗ hổng bảo mật, lấy cắp tên và mật khẩu đăng nhập của người dùng; lấy cắp thông tin thẻ ngân hàng, truy cập trái phép vào hệ thống tài khoản ngân hàng; chiếm đoạt tài khoản thư điện tử, mạng xã hội; gửi tin nhắn, cuộc gọi qua mạng viễn thông.
+ Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; vu khống; mua bán người; môi giới mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em; buôn bán hàng cấm, hàng giả; đánh bạc trái phép, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép,…
Câu hỏi 4.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.
Câu hỏi 5.
- Tệ nạn xã hội là hiện tượng xã hội tiêu cực, có tính phổ biến, lan truyền, biểu hiện bằng những hành vi vi phạm pháp luật, lệch chuẩn mực xã hội, chuẩn mực đạo đức, gây nguy hiểm cho xã hội.
- Tệ nạn ma túy là việc sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Tệ nạn cờ bạc là các hành vi lợi dụng trò chơi để cá cược, sát phạt được thua bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trái pháp luật.
- Tệ nạn mại dâm là các hành vi mua dâm, bán dâm và các hành vi khác có liên quan đến mua dâm, bán dâm.
- Tệ nạn mê tín dị đoan là các hành vi thái quá, mù quáng, tin vào những điều mơ hồ đẫn đến cuồng tín, hành động trái với chuẩn mực xã hội, chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật.
Câu hỏi 6.
- Một số quy định của pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm:
+ Nghiêm cấm các hành vi: mua dâm; bán dâm; chứa mại dâm; tổ chức hoạt động mại dâm; cưỡng bức bán dâm; môi giới mại dâm; bảo kê mại dâm; lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm và các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật.
+ Xử phạt vi phạm hành chính tùy theo mức độ và trường hợp vi phạm đối với các hành vi: mua dâm, bán dâm và các hành vi khác có liên quan đến mua dâm, bán dâm; lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm.
+ Phạt tù tùy theo mức độ và trường hợp phạm tội đối với các hành vi: chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người dưới 18 tuổi.
- Một số quy định của pháp luật về phòng chống tệ nạn cờ bạc:
+ Xử phạt vi phạm hành chính tùy theo mức độ và trường hợp vi phạm đối với hành vi đánh bạc trái phép chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo mức độ và trường hợp phạm tội đối với hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép.
- Một số quy định của pháp luật về phòng chống tệ nạn mê tín dị đoan:
+ Xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi tham gia hoạt động mê tín dị đoan, tổ chức hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội
+ Phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù tùy theo mức độ và trường hợp phạm tội đối với người dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; làm chết người; thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Câu hỏi 7.
Trách nhiệm của công dân:
- Tích cực, chủ động nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội và tội phạm sử dụng công nghệ cao; biết bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ của bản thân.
- Tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội và tội phạm sử dụng công nghệ cao; phát hiện, tố giác và giúp đỡ cơ quan chức năng điều tra, xử lí các hành vi vi phạm pháp luật về tệ nạn xã hội và sử dụng công nghệ cao
- Tham gia các hoạt động tuyên truyền, vui chơi lành mạnh để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về tệ nạn xã hội và sử dụng công nghệ cao.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.