Hướng dẫn trả lời các câu hỏi cuối bài
Bài tập 1: trang 151 - sgk vật lí 12
Vì sao phải điều chỉnh màn chắn P và giá đỡ G để chùm tia laze chiếu vuông góc với màn chắn P và màn quan sát E?
Trả lời: Ta phải điều chỉnh màn chắn P và giá đỡ G để chùm tia laze chiếu vuông góc với màn chiếu P và màn quan sát E để tạo ra hệ vân đối xứng, các khoảng vân i bằng nhau.
Bài tập 2: trang 151 - sgk vật lí 12
Cho chùm sáng laze có bước sóng λ= 0,65μm. Khoảng cách từ màn chắn P đến màn quan sát E bằng 2m. Để tạo ra hệ vân giao thoa có khoảng vân i =1,3 mm thì khoảng cách a giữa hai khe hẹp phải chọn bằng bao nhiêu?
Trả lời: Công thức tính khoảng vân:$i=\frac{D\lambda }{a}$
Từ đó ta có:$a=\frac{D\lambda }{i}$
Thay số: λ= 0,65μm; i =1,3 mm ; D = 2m nên:$a=\frac{2.0,65 }{1,3}=1mm$
Bài tập 3: trang 151 - sgk vật lí 12
Vì sao khi đo khoảng vân i bằng thước cặp, ta lại phải đo khoảng cách giữa n vân mà không đo khoảng cách giữa hai vân kề nhau?
Trả lời: Khi đo khoảng vân ii bằng thước cặp, ta phải đo khoảng cách giữa n vân mà không đo khoảng cách giữa 2 vân kề nhau vì khoảng vân ii rất nhỏ, ta đo khoảng cách giữa n vân sau đó tìm ii thì sẽ tránh bớt sai số của dụng cụ đo.
Bài tập 4: trang 151 - sgk vật lí 12
Hệ vân giao thoa sẽ thay đổi thế nào, nếu:
a) Thay nguồn sáng laze màu đỏ bằng nguồn sáng laze màu xanh?
b) S là một nguồn sáng trắng?
Trả lời
a) Khi thay nguồn sáng laze màu đỏ bằng nguồn sáng laze màu xanh thì bước sóng giảm, nên khoảng vân giảm còn vị trí vân sáng chính giữa không đổi.
Trên màn ta vẫn thu được hệ vân gồm các vân sáng xanh và tối xen kẽ nhau đều đặn.
b) Nếu S là nguồn sáng trắng thì ta thu được hệ vân gồm ở chính giữa là vân màu trắng, hai bên là những dãy màu như màu cầu vồng, màu đỏ ở ngoài, màu tím gần vân trắng trung tâm.