Bài tập 5. Đọc lại văn bản Hồn thiêng đưa đường trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 152 – 155) và trả lời các câu hỏi:
1. Tóm tắt tình huống được tái hiện trong cảnh tuồng Hồn thiêng đưa đường và nêu ấn tượng chung về tình huống đó.
2. Tìm trong văn bản (phần lời thoại) những câu cho biết về không gian, thời gian, tình thế diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Kim Lân và hồn Linh Tả.
3. Nghĩa vua tôi và tình huynh đệ đã được thể hiện như thế nào qua đoạn trích? Theo bạn, những tình nghĩa được thể hiện đó có thể đưa lại bài học tích cực gì cho cuộc sống của con người hôm nay?
4. Nhận xét sự khác biệt về ngôn ngữ giữa đoạn trích Hồn thiêng đưa đường và đoạn trích Huyện đường. Theo bạn, những nguyên nhân nào đã đưa đến sự khác biệt đó?
5. Nêu suy nghĩ về những khó khăn mà người đọc, người xem ngày nay có thể gặp phải khi tiếp cận với nghệ thuật tuồng truyền thống.
Bài Làm:
1. Tóm tắt tình huống: Trên đường vượt khỏi vòng vây của kẻ gian, Kim Lân đưa hoàng tử con vua Tề chạy trốn. Vào thời điểm túng quẫn, Kim Lân gặp hồn Linh Tá cứu giúp nhờ đó mà thoát mạng, đến được thành Sơn Hậu.
Ấn tượng chung về tình huống: Đây là tình huống gay gấn, tạo sự hồi hộp cho người đọc không biết chặng đường chạy của Kim Lân đưa hoàng tử con vua Tề trốn có thuận lợi hay không?
2. Lời thoại cho bạn đọc biết về không gian, thời gian, tình thế:
- Phá muôn vòng quân sĩ
Thẳng trăm trận pháo tên,
Kiếm Thứ phi kiếm chẳng thấy tin,
Tìm mẫu hậu tìm không ra tích
Thương tử hoàng còn nhỏ
Khát sữa lại đói cơm.
Cắn máu tay thấm giọt nhi long
Nhất thời trợ miễn ư cơ khát
(Này)
Sau lưng không tiếng nhạc
Trước mắt thấy đâu non
Lạc vào chốn sơn trung
Đã không đời nước bước (rồi đây!)
- Nay ta giúp vận Tề quân
Sao lại tuyệt kì đăng hoả
- Đoán bên non thấy ngọn hoả hào
Giục tuấn mã vội vàng theo dõi.
Như vậy, chỉ qua lời thoại, người đọc, người xem có thể hình dung được rất rõ toàn bộ bối cảnh diễn ra sự việc. Điều này càng cho thấy nét đặc trưng của lời thoại trên sân khấu. Ở trong văn bản truyện, thường bối cảnh (không gian, thời gian, tình huống) được người đọc nhận biết nhờ lời của người kể chuyện.
3. Qua đoạn trích, nghĩa vua tôi và tình huynh đệ được thể hiện:
- Trong hoạn loạn, Kim Lân không ngại nguy hiểm mà cứu triều Tề.
- Trong đói khát, Kim Lân sẵn sàng lấy máu của mình cho hoàng tử.
- Khi người bạn bỏ mình vì nghĩa, Kim Lân xót xa.
Bài học tích cực: Văn bản nêu cao tính quân tử của người anh hùng. Đó là phẩm chất trung thành. Cách ứng xử này tuy không còn phù hợp với thời đại hiện nay khi đất nước ta là đất nước của dân do dân vì dân thế nhưng trung thành là phẩm chất thiết nghĩ cần có ở mỗi người, bởi đó thể hiện được sự nhiệt thành của con người dành cho đối phương.
4. Ngôn ngữ giữa đoạn trích Hồn thiêng đưa đường và đoạn trích Huyện đường có sự khác biệt lớn:
- Đối với đoạn trích “Huyện đường”, ngôn ngữ ở đây mang tính đời thường, gần gũi.
- Đối với đoạn trích “Hồn thiêng đưa đường”, ngôn ngữ ở đây lại mang nhiều từ Hán Việt, khiến người đọc gặp khó khăn trong trường hợp không hiểu nghĩa.
Nguyên nhân: Xuất phát từ bản chất, mục đích của hai loại tuồng này khác nhau nên ngôn ngữ trong vở tuồng có sự khác biệt nhất định.
5. Người đọc, người xem ngày nay có thể gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận với nghệ thuật tuồng truyền thống:
- Vì nội dung vở diễn mang nhiều nội dung cổ xưa dẫn đến việc khó tiếp nhận đối với thế hệ ngày nay bởi khoảng cách quá lớn.
- Ngôn ngữ có thể gây khó hiểu cho người xem bởi nhiều từ Hán Việt, mang tính ước lệ.
- Phải có hiểu biết nhất định về tuồng mới có thể hiểu được nội dung mà vở tuồng truyền tải.
Như vậy, để hiểu tuồng, yêu tuồng, cần phải trang bị rất nhiều hiểu biết về lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ và đặc biệt phải có một thái độ trân trọng thực sự đối với những di sản tinh thần quý báu mà ông cha đã để lại.