Thống kê cho thấy tại Việt Nam mỗi tháng có tới 30 triệu người dùng Facebook, trong đó có 27 triệu người có sử dụng các thiết bị di động để truy cập mạng xã hội này. Trong khi đố ông lớn khác là Twitter đã từ chối tiết lộ thống kê và không đưa ra lý do cụ thể, nhiều ý kiến đều cho rằng do mạng xã hội này có quá ít người dùng tại Việt Nam.
1. Phạm vi sử dụng:
Sử dụng Twitter, người dùng thảo luận về một chủ đề cùng quan tâm hay tạo nên mối quan hệ mới và mọi đăng tải, bình luận đều được hiển thị ở dạng công khai. Trong khi đó, với Facebook, người dùng có thể theo dõi tin tức từ những người mình quen biết, có thể chia sẻ thông tin trong một nhóm người nhất định. Điều này giúp người dùng có sự riêng tư và dần dần quan hệ được hình thành dưới dạng vòng tròn.
Từ đó, những người quen biết nhau sẽ cùng trò chuyện, trao đổi và tán gẫu với nhau. Đặc trưng này của Facebook phù hợp với đặc trưng văn hóa của Việt Nam. Chính vì thế mà ở nước ta, Facebook có lợi thế hơn so với Twitter.
2. Bảo mật:
Facebook cho phép người dùng chọn các loại cài đặt bảo mật khác nhau, một số hồ sơ cá nhân thậm chí không thể tìm kiếm được trên Graph search ngoại trừ bạn bè của họ . Người dùng có thể thay đổi các bảo mật trên mỗi bài viết cá nhân bao gồm các chế độ Public (Mọi người có thể nhìn thấy), Friends (Chỉ bạn bè), Only me (Chỉ mình tôi), hoặc Custom (Chế độ tùy chỉnh).
Twitter thì có hai chế độ cài đặt bảo mật: Public (Ai cũng có thể thấy) và Private (Riêng tư). Tin nhắn cá nhân chỉ có thể được đọc bởi người được follow. Các tin nhắn cá nhân của Twitter không có các chế độ cài đặt bảo mật khác.
3. Hạn chế do giới hạn ký tự:
Khi sử dụng Twitter, dịch vụ này còn "khó khăn" hơn cả nhà mạng khi chỉ cho phép đăng tải tối đa 140 ký tự. Khi người dùng đã quen viết những dòng trạng thái dài trên Facebook, thật khó để họ chấp nhận mức giới hạn ít ỏi này. Nó dường như không đủ để người dùng “xả” hết tâm trạng của mình.
Vào tháng 7-2015, dịch vụ tin nhắn trên Twitter không còn bị giới hạn ký tự cho mỗi tin nhắn. Tuy nhiên, Twitter chỉ loại bỏ giới hạn ký tự cho tin nhắn mà thôi, còn mỗi bài tweet vẫn giới hạn ở 140 ký tự.
4. Sử dụng để quảng cáo:
Facebook có tính năng quảng cáo khá tuyệt. Những quảng cáo này thường phục vụ cho người dùng, dựa trên những sở thích trong profile cá nhân của họ. Ngoài ra Facebook còn hỗ trợ nhà quảng cáo bằng hệ thống tài liệu, pháp lý rất chi tiết và được dịch đầy đủ sang ngôn ngữ tiếng Việt, bên cạnh đó là hệ thống công cụ phân tích thói quen, sở thích cũng như mối quan tâm của người dùng…
Còn Twitter thì hạ tầng quảng cáo vẫn còn nghèo nàn, không có đa dạng các hình thức quảng cáo cũng như các hệ thống tích hợp đi kèm như Facebook. Đa phần các nhà quảng cáo ở VN chưa chú tâm đến dịch vụ quảng cáo của Twitter, và có lẽ Twitter cũng chưa có kế hoạch đổ bộ vào VN (bằng chứng là họ không hề có ngôn ngữ tiếng Việt).
5. Không đáp ứng được nhu cầu "tự xướng" của người Việt
Người dùng smartphone tại Việt Nam phần lớn sử dụng thời gian cầm máy để chụp ảnh. Họ chụp ảnh ở mọi nơi, trong công viên, quán cà phê, nhà sách… Tất nhiên, sau khi chụp được một tấm ảnh ưng ý, việc tiếp theo người dùng muốn sẽ là chỉnh sửa và chia sẻ lên mạng xã hội.
Sử dụng Facebook, chỉ cần vài thao tác đơn giản là bạn đã có thể khoe với mọi người bức hình vừa chụp và gán nó vào từng album để tiện theo dõi. Còn với Twitter thì sao? Trước đây, khi muốn đăng tải hình ảnh lên Twitter, bạn chỉ có thể chọn cách upload lên một dịch vụ thứ ba, sau đó dẫn link về tweet cá nhân. Hiện tại, Twitter đã thay đổi, cho phép người dùng tải ảnh lên, tuy nhiên bạn không thể tạo album ảnh theo từng chủ đề mong muốn. Điều này gây khó khăn cho việc tìm kiếm hoặc xem lại sau này. Có thể nói, Twitter chưa đáp ứng được nhu cầu khoe ảnh đang ngày càng tăng cao và trở thành xu hướng này.
6. Thiếu nhiều chức năng quan trọng.
Với Facebook, người dùng có thể tạo những nhóm (group) riêng để trao đổi thông tin, có thể tạo fanpage hay thiết lập các mối quan hệ cá nhân. Còn với Twitter, nó chỉ hỗ trợ tạo tài khoản đơn thuần chứ không bổ sung thêm bất cứ chức năng nào.
Trong khi đó, chính những chức năng kia lại rất cần thiết cho người dùng, nó giúp việc sử dụng mạng xã hội trở nên đa chức năng và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, để sử dụng Twitter hiệu quả, người dùng phải biết sử dụng những ứng dụng và công cụ hỗ trợ bên ngoài vì Twitter không hỗ trợ những điều này. Vì thế, nếu bạn không phải là người kiên nhẫn và thích tìm tòi thì bạn cũng sẽ bỏ Twitter mà đi sử dụng các trang khác như Facebook, Zalo