Phần tham khảo mở rộng
Câu 1: Chứng minh Nước Đại Việt ta là bản tuyên ngôn độc lập bất hủ (trích Bình Ngô đại cáo)
Bài Làm:
Trong kho tàng văn học dân tộc, có những áng văn bất hủ là tài sản vô giá để lại cho hậu thế. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là một bản hùng ca của dân tộc Đại Việt. Nội dung tuyên ngôn được thể hiện tập trung trong đoạn trích Nước Đại Việt ta. Đó không chỉ kiệt tác văn chương mà còn là ý chí độc lập tự chủ của một dân tộc biết tự khẳng định mình, tự hào về truyền thống và sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự tồn vong của quốc gia, dân tộc.
Bình Ngô đại cáo được viết trong hoàn cảnh Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Thái Tổ soạn thảo năm 1428, sau khi quân ta đại thắng, diệt và làm tan rã viện binh của giặc, buộc quân giặc phải giảng hòa và rút về nước. Bài cáo được viết trong không khí hân hoan chiến thắng của toàn dân tộc. Nguyễn Trãi đã thể hiện tài năng xuất chúng với nghệ thuật lập luận chặt chẽ, lí luận sắc bén và kết cấu chặt chẽ, mạch lạc được thể hiện trong văn bản.
Nước Đại Việt ta thể hiện tư tưởng nhân nghĩa mới mẻ của Nguyễn Trãi. Trong tư tưởng Nho giáo xưa, nhân nghĩa vốn là khái niệm để nói về đạo lí, cách ứng xử và tình thương giữa con người với nhau. Ở đây tác giả đã khái quát thành một tư tưởng lớn, thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc ta: Việc nhân nghĩa trước ở yên dân
Đó là tư tưởng lấy dân làm gốc, lấy lợi ích của nhân dân và toàn dân tộc làm đầu và đem lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. Dân có yên ổn thì đất nước mới thái bình, thịnh trị. Và muốn yên dân thì phải lo “trừ bạo”, đánh tan giặc xâm lược. Điều này cho thấy tư tướng của một nhà Nho yêu nước, thương dân.
Ở luận điểm thứ hai, Nguyễn Trãi đã thể hiện quan niệm về quốc gia, chủ quyền lãnh thổ hết sức sâu sắc:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Chỉ với tám câu thơ ngắn gọn, súc tích nhưng ý thơ đã thâu tóm được những tư tưởng lớn lao về việc khẳng định chủ quyền dân tộc. Ta từng biết đến bản tuyên ngôn độc lập với những lí lẽ đanh thép trong Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt. Ông qua niệm về quốc gia, dân tộc với hai quyền cơ bản là chủ quyền lãnh thổ và độc lập dân tộc. Đất nước ta do vua trị vì và ranh giới phân chia đã rõ ràng, hợp với ý trời đã định:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Nhưng với Nguyễn Trãi, quan niệm về chủ quyền được mở rộng trên cả phương diện lịch sử văn hiến, phạm vi lãnh thổ và phong tục tập quán. Để xây dựng nền văn hiến và hình thành các phong tục tập quán lâu đời, dẫn tộc ta đã trải qua hàng năm dựng xây và văn đắp với những trang sử hào hùng về truyền thống đấu tranh và tinh thần cần cù trong lao động. Đó là quá trình kiến tạo dài lâu, sàng lọc để lấy lại những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của dân tộc, bởi vậy khi khẳng định có một nền “văn hiến đã lâu” “phong tục Bắc Nam cũng khác” chính là lời khẳng định mạnh mẽ và đanh thép nhất chủ quyền vốn có của dân tộc ta. Dân tộc ấy được hình thành không chỉ có bờ cõi, non sông được bảo vệ mà tâm hồn và bản sắc dân tộc ấy cũng cần được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Chúng ta không khỏi đau xót khi nhìn lại cả nghìn năm Bắc thuộc, dân ta phải sống trong cảnh lầm than nô lệ nhưng điều khiến chúng ta tự hào đó là bản sắc dân tộc không hề bị phai nhạt, đồng hóa mà vẫn như ngọn đèn soi sáng cả dân tộc đi qua đêm tối, khơi dậy được tinh thần chiến đấu quật cường để giành lại độc lập cho dân tộc.
Không chỉ vậy, Nguyễn Trãi còn khẳng định chủ quyền trên phương diện lịch sử với các triều đại phong kiến hai nước cùng song song tồn tại qua bao thế kỉ.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nên độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có
Việc liệt kê các triều đại của nước ta ngang hàng cùng quân giặc, tác giả nhằm khẳng định vị thế của dân tộc ta là một dân tộc có chủ quyền. Dù dân tộc ấy có những giai đoạn thăng trầm nhưng hào kiệt, anh hùng thời nào cũng có, cũng viết nên những trang sử vẻ vang. Như vậy, Nguyễn Trãi đã thể hiện một cách sâu sắc về ý thức chủ quyền dân tộc, đó không chỉ làm phạm vi lãnh thổ được bảo toàn mà truyền thống văn hóa, lịch sử quốc gia, phong tục tập quán cũng cần được giữ gìn trọn vẹn. Đó chính là sức mạnh tinh thần to lớn, tạo nên động lực giúp cả dân tộc chiến đấu kiên cường với bao kẻ thù, làm nên những chiế công vang dội non sông:
Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Với các sự kiện và chiến công tiêu biểu, Nguyễn Trãi đã cho thấy sức mạnh của dân tộc Đại Việt trước bao kẻ thù lớn. Để làm nên những chiến công lừng lẫy đó, bao máu xương của cha anh đã rơi xuống vì nền độc lập dân tộc. Đó là niềm tự hào nhưng cũng là lời nhắc nhở với hậu thế.
Với những lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục cùng những tư tưởng nhân văn sâu sắc, tiến bộ, đoạn trích Nước Đại Việt ta đã thể hiện được lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Bài cáo xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn của muôn đời.