2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Nêu bố cục của văn bản.
Câu 2: Chỉ ra tính chất tổng hợp của văn bản.
Câu 3: Liệt kê những điều tài giỏi của giáo sư Tạ Quang Bửu được nói đến trong văn bản. Đưa nhận xét khái quát.
Câu 4: Hãy liệt kê các giáo sư, nhà khoa học,… có những nhận xét, đánh giá về giáo sư Tạ Quang Bửu. Liệt kê các trích dẫn của họ. Tác dụng của việc đưa vào nhiều nhận xét, đánh giá như vậy là gì?
Câu 5: Tại sao đây được coi là một văn bản thông tin?
Bài Làm:
Câu 1:
- Văn bản không phân thành các phần rõ ràng với các đề mục như trên bài báo hay tạp chí. Văn bản có phần mở bài (đoạn đầu tiên), thân bài (nói về tài năng của Tạ Quang Bửu), kết bài (“Giáo sư, Tiến sĩ khoa học” đến hết).
- Văn bản là một tập hợp các câu chuyện, thành tích, dẫn chứng… để nói về tài năng của Giáo sư Tạ Quang Bửu. Phần thân bài không có một bố cục rõ ràng, khó phân định nhưng có thể thấy rằng người viết đã trình bày theo trình từ thời gian từ khi còn ở Pháp đến khi về Việt Nam làm việc cho Nhà nước.
Câu 2:
- Tính chất tổng hợp của văn bản thể hiện qua việc tác giả đưa ra rất nhiều câu chuyện ở nhiều thời điểm, nhiều khía cạnh để làm nổi bật tài năng hơn người của giáo sư Tạ Quang Bửu. Tác giả kể các câu chuyện từ thời ở Pháp, khi về Việt Nam đến khi ông qua đời. Tác giả nói về giáo sư Tạ Quang Bửu từ thành tích đa lĩnh vực, cách học, đánh giá của những người tài khác,…
Câu 3:
- Sự tài giỏi của giáo sư Tạ Quang Bửu thể hiện qua:
+ Ông đỗ kì thi lấy chứng chỉ của văn bằng cử nhân toán ở Pháp.
+ Ông tập các bài thể dục theo phương pháp hiện đại.
+ Ông thử sức trong một cuộc bơi vượt sông Xen có cả Jean Taris – nhà vô địch Pháp – tham dự.
+ Ông lọt vào chung kết cuộc thi bóng bàn của sinh viên Pa-ri, nhờ tập luyện theo cách đánh của Barna, nhà vô địch Hungary.
+ Ông tập đấm bốc để tự vệ, đá bóng, và về sau, được cấp bằng bơi lội của Vương quốc Anh.
+ Ông am hiểu về nghệ thuật kiến trúc, sành hội hoạ và âm nhạc.
+ Ông có cách học độc đáo: học để biết, chứ không phải học để thi.
+ Ông tự học chữ Hán qua nhiều loại sách của Trung Quốc để hiểu hơn về văn hoá phương Đông.
+ Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học, kĩ thuật hiện đại (sau 1945), chỉ đạo các nhiệm vụ kĩ thuật quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
+ Ngay từ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã cho ra những cuốn sách có ảnh hưởng sâu sắc.
+ Ông là một nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn.
+ Ông có thói quen đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc, đọc rất nhanh nhưng nhớ rất lâu.
+ Ông tinh thông nhiều ngoại ngữ, có thể học nhanh.
…
=> giáo sư Tạ Quang Bửu tài giỏi trên nhiều lĩnh vực, có đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt là về khoa học.
Câu 4:
- Phó Giáo sư Đặng Thái Hoàng cho biết: Khi viết xong cuốn Lịch sử kiến trúc thế giới, anh tha thiết đề nghị “bác Bửu” cho ý kiến và kết quả là nhận được mấy lời góp ý “rất cụ thể và sâu sắc” khiến anh phải sửa chữa nhiều chỗ...
- Đồng chí Hoàng Xuân Tuy, nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nhận xét: Tạ Quang Bửu “có một cách học độc đáo: học để biết, chứ không phải học để thi”.
- Giáo sư Nguyễn Xiển, một người thầy dạy toán kì cựu, nói: “Trong thời kì kháng chiến này, ông Tạ Quang Bửu là nhà khoa học viết được nhiều nhất, do vậy, có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến các thế hệ đương thời.”
- Giáo sư Nguyễn Xiển dự báo: “Với những người mở đường như ông Tạ Quang Bửu, ông Lê Văn Thiêm, chắc chắn nước ta sẽ có hàng trăm nhà toán học có tài không kém các nước khác.”
- Giáo sư Lê Văn Thiêm kể lại: “Năm 1951, sau khi từ Thuỵ Sĩ về vùng bưng biền Nam Bộ, tôi cuốc bộ dọc đường Trường Sơn ra Việt Bắc. Một hôm, đến thăm anh Bửu tại một căn nhà lá dùng làm nơi làm việc giữa rừng Tuyên Quang, tôi kinh ngạc và thú vị xiết bao khi thấy, tuy chìm ngập trong công việc, anh vẫn dành thì giờ đọc các sách, báo toán nổi tiếng qua tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp.”
- Giáo sư Lê Văn Thiêm cho rằng: “năng lực tự học” của ông Bửu gần như là “một thiên huyền thoại”.
- Nhà ngôn ngữ – toán học hàng đầu Noam Chomsky viết: “Ông Tạ Quang Bửu là một người có trí thông minh ghê gớm.”
- Ông Nguyễn Xuân Huy kể lại trong một bài hồi kí: “Anh Bửu xem và đọc một mạch tiếng Nga làm cho tôi phục quá! Xong, anh dịch ngay ra tiếng Pháp cho tôi đem về nghiên cứu, hướng dẫn bộ đội.”
…
=> Tác dụng: tạo nên sự đa dạng về thông tin, dẫn chứng, tăng cường tính chất, độ tin cậy của bài viết.
Câu 5:
Văn bản này được coi là một văn bản thông tin vì:
- Văn bản được viết nhằm mục đích chủ yếu là cung cấp thông tin cho người đọc: Ở đây, văn bản đã cung cấp nhiều thông tin về giáo sư Tạ Quang Bửu.
- Ngôn ngữ của văn bản tự nhiên, không mang màu sắc văn học, nghệ thuật.
- Các thông tin trong văn bản có sự chuẩn xác, đảm bảo độ tin cậy.