1. NHẬN BIẾT (4 câu)
Câu 1: Nêu sơ lược về tiểu sử cuộc đời Nguyễn Du
Câu 2: Nêu sơ lược về sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du
Câu 3: Nêu sơ lược về nguồn gốc đề tài, cốt truyện và vị trí của Truyện Kiều
Câu 4: Nêu vài nét về giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của Truyện Kiều
Bài Làm:
Câu 1:
- Nguyễn Du (1765 – 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê gốc ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
- Ông xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan, có truyền thống văn học.
- Nguyễn Du sống trong một thời đại đầy biến động dữ dội.
- Nguyễn Du có một cuộc đời nhiều vất vả, cơ cực, xuất thân trong gia đình giàu sáng những cuộc sống lại lưu lạc, tha hương.
- Khi Nguyễn Ánh lập ra triều đại mới lấy niên hiệu là Gia Long (1802), Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn, được tân triều trọng dụng. Năm 1820, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ nhưng chưa kịp khởi hành thì lâm bệnh nặng và qua đời.
Câu 2:
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, ông đã để lại nhiều thành tựu kiệt xuất về văn chương:
+ Về thơ chữ Hán, Nguyễn Du có ba tập thơ: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc Hành tạp lục. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du vừa lưu giữ thế giới tâm hồn phong phú,, vừa có khả năng khái quát hiện thực rất cao và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đồng thời, ba tập thơ còn phản chiếu chân dung con người và quá trình vận động trong tư tưởng nghệ thuật của tác giả.
+ Về sáng tác chữ Nôm, Nguyễn Du có hai kiệt tác là Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh. Ngoài ra, còn có một số tác phẩm khác như Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Thác lời trai phường nón.
Câu 3:
- Truyện Kiều được viết theo hình thức truyện thơ Nôm, thể lục bát gồm 3254 câu kể về 15 năm trôi nổi của Thúy Kiều. Nguyễn Du viết Truyện Kiều dựa theo cốt truyện Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Trên cơ sở cốt truyện, nhân vật có sẵn, Nguyễn Du đã có những sáng tạo lớn về nhiều mặt.
- Hơn hai trăm năm qua, Truyện Kiều là nguồn đề tài, cảm hứng lớn cho nhiều loại hình nghệ thuật, là đối tượng khám phá của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đến nay, tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới (hơn 70 bản dịch).
Câu 4:
* Giá trị tư tưởng:
- Cảm hứng tôn vinh vẻ đẹp của con người, đặc biệt là người phụ nữ, không chỉ là vẻ đẹp ngoại hình, tài năng mà còn là vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn.
- Truyện Kiều còn là bài ca về tự do và ước mơ công lí, là bản cáo trạng đanh thép đối với các thế lực chà đạp lên quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của con người.
- Nguyễn Du đã thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả với tình cảm xót xa, đồng cảm cho số phận con người, cổ vũ cho những khát vọng chính đáng, táp bạo của con người.
* Giá trị nghệ thuật:
- Truyện Kiều thể hiện rất rõ tài năng sáng tạo vượt bậc của Nguyễn Du trên nhiều bình diện nghệ thuật.
- Về cốt truyện, tác giả đã tổ chức lại cốt truyện, thay đổi trình tự của nhiều chi tiết, sự kiện, sáng tạo nhiều đoạn độc thoại nội tâm và miêu tả thiên nhiên sâu sắc.
- Về nhân vật, các nhân vật được khắc họa một cách chân thực, sinh động từ ngôn ngữ, cử chỉ bên ngoài đến diễn biến nội tâm phức tạp, sâu sắc bên trong. Đặc biệt nghệ thuật khắc họa “con người bên trong”, giúp cho Nguyễn Du vượt xa thời đại của mình khi hướng đến sự tìm kiếm, khám phá con người ở bên trong con người.
- Tiếng Việt trong Truyện Kiều là một ngôn ngữ trong sáng, trau chuốt, giàu sức biểu cảm, sáng tạo.