1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Trình bày khái niệm của biện pháp tu từ đối. Cho ví dụ.
Câu 2: Nêu các kiểu đối và cho ví dụ.
Câu 3: Biện pháp tu từ đối thường được sử dụng ở kiểu văn bản nào?
Câu 4: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đối.
Câu 5: Hãy chỉ ra nhanh phép đối trong các ngữ liệu sau:
a)
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
b) Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt
Trót đem thân thế hẹn tang bồng.
Bài Làm:
Câu 1:
- Đối là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ (cùng từ loại) hoặc câu (cùng cấu trúc) sóng đôi với nhau nhằm nhấn mạnh sự tương đồng hoặc tương phản giữa các nội dung cần biểu đạt, tạo nhịp điệu và tăng vẻ đẹp cân xứng cho lời văn. Biện pháp tu từ đối có thể được thực hiện trong một câu thơ, câu văn hay trong hai câu thơ, câu văn liền kề nhau.
Ví dụ:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
- Trong ví dụ trên, các từ trong hai vế “thành xây khói biếc” và “non phơi bóng vàng” tạo thành từng cặp tương ứng, cân xứng với nhau về nội dung, giống nhau về từ loại (thành - non, xây – phơi, khói – bóng, biếc - vàng), trái nhau về thanh điệu bằng trắc (biếc – vàng) tạo nên vẻ đẹp hài hoà cho câu thơ.
Câu 2:
- Biện pháp đối thường được thực hiện giữa hai dòng thơ hoặc hai câu văn, gọi là trường đối (bình đối). Ví dụ:
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
- Biện pháp đối còn được thực hiện giữa các từ ngữ trong một dòng thơ hoặc một câu văn. Trường hợp này được gọi là tiểu đối. Ví dụ:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Câu 3:
– Biện pháp đối không chỉ được dùng phổ biến trong văn vần (như thơ, phú), văn biền ngẫu (như câu đối, chiếu, cáo, hịch,...) mà còn được dùng trong cả văn xuôi, nhất là văn chính luận thời trung đại.
Câu 4:
- Đây là biện pháp tu từ có tác dụng tạo sự cân xứng về ý nghĩa và nhạc điệu, tạo nên cái đẹp hài hoà theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam.
- Ngoài ra, biện pháp này còn có tác dụng giúp miêu tả sự việc, cảnh vật một cách cô đúc, khái quát mà không cần liệt kê, kể lể dài dòng.
Câu 5:
- a) Phép đối có giữa hai vế của câu bát trong cặp câu thơ lục bát; ngoài ra còn có đối giữa hai cụm từ “hoa cười / ngọc thốt” ở câu thứ ba.
- b) Phép đối diễn ra giữa hai dòng: dòng trên và dòng dưới.