I. Nhận biết
Câu 1: Nội dung phản ánh của các giá trị văn hóa tinh thần thời Phục hưng là gì?
Câu 2: Phong trào văn hóa Phục hưng (thế kỉ XIV-XVII) là gì? Trình bày những hiểu biết của em về phong trào Văn hóa Phục hưng?
Câu 3: Trình bày những thành tựu nổi bật của phong trào văn hóa Phục hưng?
Câu 4: Trình bày những hiểu biết về cải cách tôn giáo?
Câu 5: Trình bày những tác động của phong trào cải cách tôn giáo?
Bài Làm:
Câu 1:
- Nội dung phản ánh của các giá trị văn hóa tinh thần thời Phục hưng là:
+ Một mặt chống lại những giáo lí, trật tự của xã hội phong kiến
+ Mặt khác đề cao những giá trị chân chính, quyền tự do của con người, đề cao vai trò của khoa học – kĩ thuật trong sự phát triển của xã hội loài người.
Câu 2:
- Phong trào Văn hóa Phục hưng (thế kỉ XIV-XVII) là khôi phục lại nền văn hóa của Hy Lạp và La Mã cổ đại bị chế độ phong kiến châu Âu vùi dập.
- Hiểu biết về phong trào văn hóa Phục hưng:
+ Trên cơ sở phát hiện những thành tựu của văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại, ở các nước Tây Âu đã dấy lên phong trào đấu tranh văn hóa rộng khắp, chống lại sự kìm hãm của chế độ phong kiến.
+ Những tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học – kĩ thuật đương thời, một mặt chống lại những giáo lí, trật tự của xã hội phong kiến, mặt khác đề cao những giá trị chân chính, quyền tự do của con người, đề cao vai trò của khoa học – kĩ thuật trong sự phát triển của xã hội loài người.
+ Phong trào Văn hóa Phục hưng thực sự mở ra một thời kì mới cho sự phát triển của văn hóa châu Âu và nhân loại.
Câu 3:
- Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học – kĩ thuật, sự phát triển phong phú về văn học và sự nở rộ các tài năng
+ Ra-bơ-le vừa là nhà văn, vừa là nhà y học.
+ Đề-các-tơ vừa là nhà toán học, vừa là nhà triết học lớn.
+ M. Xéc-van-téc là một nhà văn lớn của Tây Ban Nha với tác phẩm nổi tiếng là Đôn Ki-hô-tê.
+ W. Sếch-xpia người Anh là nhà viết kịch vĩ đại thời Văn hóa Phục hưng với nhiều vở kịch nổi tiếng như Rô-mê-ô và Giu-li-ét, Hăm-lét, Ô-tec-lô,...
+ Lê-ô-na đờ Vanh-xi, người I-ta-li-a là một họa sĩ thiên tài, để lại nhiều kiệt tác cho nhân loại như: Bữa ăn tối cuối cùng, Nàng La Giô-công-đơ.
+ Mi-ken-lăng-giơ là một danh họa, một nhà điêu khắc, kiến trúc sư nổi tiếng người I-ta-li-a với những tác phẩm tiêu biểu như: Sáng tạo thế giới, Cuộc phán xét cuối cùng, Tượng Đa-vít,...
+ Thời Văn hóa Phục hưng đã xuất hiện nhiều nhà khoa học dũng cảm chống lại những quan điểm sai lầm, bảo thủ của giáo hội. Tiêu biểu là N. Cô-péc-ních (người Ba Lan), G. Ga-li-lê (người I-ta-li-a). N. Cô-péc-ních đã chứng minh rằng Trái Đất quay quanh trục của nó và quay xung quanh Mặt Trời nhưng bị giáo hội cấm lưu hành. Còn G. Ga-li-lê công bố học thuyết Trái Đất quay mà bị bỏ tù khi ông đã 70 tuổi. Dù vậy, khi bị kết án, ông vẫn tuyên bố: “Dù sao Trái Đất vẫn quay”.
Câu 4:
- Những hiểu biết về cải cách tôn giáo:
+ Trên nền tảng của phong trào Văn hóa Phục hưng, giai cấp tư sản đang lên đã nhận thấy giáo hội Thiên Chúa giáo là một thế lực cản trở bước tiến của họ.
+ Tư tưởng cải cách hình thành và lan rộng, tạo nên sự phân chia thành hai giáo phái: cựu và tân giáo, đấu tranh lẫn nhau.
+ Cuộc đấu tranh này đã trở thành động lực của một phong trào đấu tranh vũ trang lớn mà lịch sử gọi chung là Chiến tranh nông dân ở Đức.
Câu 5:
- Phong trào Cải cách tôn giáo được đông đảo nhân dân ủng hộ, đã lan rộng khắp Tây Âu trong thế kỉ XVI.
- Phong trào đã làm cho Thiên Chúa giáo phân hóa thành hai giáo phái: Cựu giáo (Thiên Chúa giáo) và Tân giáo (Anh giáo, Tin Lành,... là những tôn giáo cải cách).
- Phong trào đã làm bùng lên một cuộc đấu tranh rộng lớn ở Đức, thường gọi là cuộc Chiến tranh nông dân Đức.
- Là một trong những cuộc đấu tranh công khai đầu tiên trên lĩnh vực văn hóa – tư tưởng của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến đã suy tàn.
- Cổ vũ và mở đường cho nền văn hóa châu Âu phát triển cao hơn.