1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Em hãy cho biết khái niệm về bệnh trên vật nuôi.
Câu 2: Em hãy nêu vai trò của phòng, trị bệnh trong chăn nuôi.
Câu 3: Em hãy nêu một số biện pháp an toàn cho người, vật nuôi và môi trường đối với chăn nuôi nông hộ.
Câu 4: Em hãy nêu một số biện pháp an toàn cho người, vật nuôi và môi trường đối với chăn nuôi trang trại.
Câu 5: Có những loại bệnh thông thường nào trên vật nuôi?
Bài Làm:
Câu 1:
Bệnh là trạng thái không bình thường của vật nuôi. Khi vật nuôi bị bệnh thường có các biểu hiện như buồn bã, chậm chạm, chán ăn hoặc bỏ ăn, sốt, chảy nước mắt và nước mũi, ho, tiêu chảy, bại liệt, xù lông.... Bệnh ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, bệnh nặng có thể gây chết.
Câu 2:
Vai trò của phòng, trị bệnh cho vật nuôi là một trong những hoạt động quan trọng trong chăn nuôi:
- Sẽ đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững;
- Cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Câu 3:
Một số biện pháp an toàn cho người, vật nuôi và môi trường đối với chăn nuôi nông hộ:
- Chuồng trại, khu vực chăn nuôi khác phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc, diệt mầm bệnh và các loài động vật trung gian truyền bệnh định kì và sau mỗi đợt nuôi.
- Dụng cụ dùng trong chăn nuôi phải được vệ sinh trước khi đưa vào sử dụng.
- Con giống phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng giống vật nuôi theo quy định, không mang mầm bệnh truyền nhiễm, đã được kiểm dịch và áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc.
- Thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, không gây hại cho vật nuôi và người sử dụng sản phẩm chăn nuôi. Nước sử dụng trong chăn nuôi phải sạch, không gây bệnh cho vật nuôi.
- Vật nuôi được đưa ra các bãi chăn thả chung phải khoẻ mạnh, không mang mầm bệnh truyền nhiễm.
Câu 4:
Một số biện pháp an toàn cho người, vật nuôi và môi trường đối với chăn nuôi trang trại:
- Địa điểm của cơ sở chăn nuôi phải theo quy hoạch, cách xa khu dân cư, công trình công cộng, đường giao thông chính, nguồn gây ô nhiễm.
- Đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi; cơ sở kinh doanh vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi; cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống; trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển dùng trong chăn nuôi; thức ăn, nước dùng cho vật nuôi; chất thải động vật và các đối tượng khác thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y.
Câu 5:
+ Đối với gia súc: bệnh phó thương hàn, bệnh lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng, bệnh liên cầu khuẩn….
+ Đối với gia cầm: bệnh cúm gia cầm, bệnh đậu gà, bệnh viêm ruột hoại tử, bệnh khuẩn đường ruột,…