B. Hoạt động hình thành kiến thức
1. Tìm hiểu vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ
Quan sát hình 2, đọc thông tin hãy:
- Xác định vị trí địa lí của vùng đồng bằng sông Cửu Long?
- Nêu ý nghĩa của vị trí địa lí vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với phát triển kinh tế - xã hội?
Bài Làm:
Quan sát hình 2 ta thấy:
Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí:
- Đông Bắc tiếp giáp Đông Nam Bộ
- Tây Bắc tiếp giáp Campuchia
- Tây Nam tiếp giáp vịnh Thái Lan
- Đông Nam tiếp giáp Biển Đông
Ý nghĩa của vị trí địa lí vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với phát triển kinh tế - xã hội:
- Kề liền với Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển mạnh, là thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm của Đồng bằng sông Cửu Long (nông sản, thủy sản) và sử dụng nhiều lao động của đồng bằng.
- Giáp Campuchia với đường biên giới dài và giao lưu rất thuận lợi (cả đường bộ và đường sông), Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế để phát triển các mối quan hệ hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mê công.
- Giáp Biển Đông với bờ biển dài và các vùng biển rộng lớn. Các vùng biển có nhiều bãi tôm, bãi cá, bờ biển có nhiều bãi triều, rừng ngập mặn, cửa sông thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, giao lưu với nhiều vùng trong nước và nước ngoài bằng đường biển.
- Ở cực nam của đất nước, gần xích đạo, khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long có tính chất cận xích đạo rõ rệt, nguồn nhiệt ẩm dồi dào, thời tiết ít biến động, ít thiên tai. Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới quanh năm, đặc biệt là trồng lúa nước và các cây ăn quả nhiệt đới.