2. Luyện tập về câu cầu khiến
a) Gạch dưới những từ ngữ cầu khiến trong các câu sau và thử thêm, bớt hoặc thay đổi chủ ngữ xem ý nghĩa của câu thay đổi như thế nào.
(1) Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương.
(Bánh chưng, bánh giầy)
(2) Ông giáo hút trước đi.
(Nam Cao, Lão Hạc)
(3) Nay chúng ta đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không.
(Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng)
b) Gạch dưới câu cầu khiến trong những đoạn trích sau. Nhận xét sự khác nhau về hình thức biểu hiện ý nghĩa cầu khiến giữa các câu đó.
(1) Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi. Đào tổ nông thì cho chết!
(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)
(2) Ông đốc tươi cười nhẫn nại chờ chúng tôi:
- Các em đừng khóc. Trưa nay các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa.
(Thanh Tịnh, Tôi đi học)
(3) Có anh chàng nọ tính tình rất keo kiệt. Một hôm đi đò qua sông, anh chàng khát nước bèn cúi xuống, lấy tay vục nước sông uống. Chẳng may quá đà, anh ta lộn cổ xuống sông. Một người ngồi cạnh thấy thế, vội giơ tay hét lên:
- Đưa tay cho tôi mau!
Anh chàng sắp chìm nghỉm nhưng vẫn không chịu nắm tay người kia. Bỗng một người có vẻ quen biết anh chàng chạy lại, nói:
- Cầm lấy tay tôi này!
Tức thì, anh ta cố ngoi lên, nắm chặt lấy tay người nọ và được cứu thoát […].
(Theo Ngữ văn 6, tập một)
c) So sánh hình thức và ý nghĩa của hai câu sau:
(1) Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột.
(2) Hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột!
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)
Bài Làm:
a) Những từ cầu khiến trong câu:
(1) Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương.
(2) Ông giáo hút trước đi.
(3) Nay chúng ta đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không.
Khi thêm, bớt hoặc thay đổi chủ ngữ, nghĩa của câu có những sự thay đổi nhất định:
(1) Thêm chủ ngữ: Con hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương.
Nghĩa của câu về cơ bản không thay đổi nhưng giúp cho đối tượng tiếp nhận được xác định rõ hơn và đồng thời sắc thái của lời yêu cầu những nhẹ nhàng, tình cảm hơn.
(2) Bớt chủ ngữ: Hút trước đi.
Nghĩa của câu thay đổi: Lời đề nghị trở nên sỗ sàng, bất lịch sự và khiếm nhã.
(3) Thay đổi chủ ngữ: Nay các anh đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không?
Nghĩa của câu thay đổi: người nói đã bị loại ra khỏi những đối tượng tiếp nhận lời đề nghị.
b) Câu cầu khiến:
(1) Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi.
(2) - Các em đừng khóc.
(3) - Đưa tay cho tôi mau!
- Cầm lấy tay tôi này!
Sự khác nhau về hình thức biểu hiện ý nghĩa cầu khiến giữa các câu:
Câu (1): có từ cầu khiến: đi; không có chủ ngữ.
Câu (2): có từ cầu khiến: đừng, có chủ ngữ: Các em.
Câu (3): Không có chủ ngữ và từ ngữ cầu khiến, chỉ có ngữ điệu cầu khiến.
c)
Câu (1) có chủ ngữ Thầy em, ngược lại câu (2) không có chủ ngữ
=> Ý nghĩa cầu khiến của câu (1) nhẹ nhàng, ân cần và tình cảm hơn.