Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Ngữ văn 11 cánh diều bài 2: Trao duyên

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Trong đoạn trích, Kiều nói chuyện với Thuý Vân rồi chuyển sang nhắn gửi cho Kim Trọng. Sự chuyển đổi đối tượng trò chuyện ấy nói lên điều gì trong tình cảm của Kiều?

Câu 2: "Trao duyên" là chuyện tế nhị và khó nói. Theo anh (chị), Kiều đã nói và làm như thế nào để Thuý Vân chấp nhận? Tìm hiểu sức thuyết phục trong lời lẽ và hành vi của Kiều.

Câu 3: Tâm trạng mâu thuẫn của Kiều khi trao duyên được thể hiện như thế nào qua những lời dặn dò Thuý Vân: "Chiếc vành với bức tờ mây – Duyên này thì giữ vật này của chung".

Bài Làm:

Câu 1:

– Khi Kiều nói với Thuý Vân là khi nàng tính việc nhờ Thuý Vân thay mình “trả nghĩa” cho chàng Kim, một việc thiên về lí trí. Nhưng trong khi bàn việc trao duyên, nghĩ đến người yêu, tình cảm của Kiều lại bộc lộ mạnh mẽ. Kiều như quên Thuý Vân đang ngồi trước mặt mà chuyển sang trò chuyện với chàng Kim trong tưởng tượng: “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang! – Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”. Nếu chỉ đơn thuần là những lời dặn dò Thuý Vân thì tâm trạng nhân vật sẽ đều đều, bi kịch của thân phận và tình yêu không được đẩy tới đỉnh điểm, nhân cách cao đẹp của Kiều cũng không có điều kiện bộc lộ (Lí do đơn giản: Kiều không thể nói hết nỗi lòng nếu chỉ có Thuý Vân trước mặt. Kiều còn than thân trách phận, còn tâm sự với Kim Trọng như Kim Trọng đang ở trước mặt nàng).

Việc chuyển đổi đối tượng này cho thấy Kiều luôn nghĩ về Kim Trọng, do đó chiều sâu tình cảm của nàng được bộc lộ.

Đây lại thêm một cách tả, cách nhìn tình yêu của Kiều từ một phương diện khác. Nghệ thuật diễn tả nội tâm đã góp phần khắc hoạ vẻ đẹp toàn diện, mới mẻ của Thuý Kiều. Nguyễn Du muốn cho độc giả thấy Thuý Kiều không chỉ là cô gái hiếu nghĩa mà còn là cô gái có tình yêu sâu sắc.

Câu 2:

Về việc "trao duyên" của Thuý Kiều:

– Thuý Kiều nhờ em gái là Thuý Vân thay mình lấy một người mà em chưa thực sự quen biết. Dù Thuý Vân tính tình đơn giản thế nào thì yêu cầu này cũng quá ư đột ngột, bởi đây là chuyện quan hệ đến cả một đời người. Vì thế lời của Kiều vừa trông cậy, vừa nài ép. Em hãy xác định và phân tích những lời nói và việc làm của Kiều để buộc Thuý Vân nhận lời (Chú ý cách nói: "cậy", "chịu lời", "Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”; do đâu mà "Giữa đường đứt gánh tương tư”; gợi "tình máu mủ").

– Em cần lưu ý là tác giả dùng từ rất tinh tế. Dùng "cậy" mà không dùng "nhờ" vì "cậy" có ý tin chắc là người khác nhất định sẽ nghe mình, còn "nhờ" thì có thể tuỳ ý, không ép buộc. Cũng vậy, "chịu lời" và "nhận lời" có vẻ giống nhau, nhưng "chịu lời" là nhận lời làm việc không do mình tự nguyện, hoặc một việc khó chối từ. Chữ "cậy" ứng với chữ "chịu lời", được tác giả cân nhắc kĩ. Nếu nói thơ xưa chuộng từ đắt, thì đây là một trường hợp dùng từ như vậy. Cần nói thêm chữ "có" ở câu 1, vẻ như ướm hỏi, nhưng thực chất là ép buộc. Hai chữ "mặc em" trong câu "Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em" nói rõ cái ý giao phó trách nhiệm cho em thực hiện.

Nguyễn Du đã thể hiện tài nghệ tuyệt vời khi để nhân vật Thuý Kiều có những lời lẽ và hành vi đầy sức thuyết phục trong đêm "trao duyên" cho Thuý Vân.

Câu 3:

Tâm trạng mâu thuẫn của Kiều khi "trao duyên":

– Ta hiểu rằng chuyện tình duyên là không thể trao được. Do đó, khi buộc phải "trao duyên" thì sinh mâu thuẫn. Em hãy xác định mâu thuẫn trong câu thơ:

Chiếc vành với bức tờ mây,

Duyên này thì giữ, vật này của chung.

– Tờ hoa tiên ghi lời thề nguyền của Kiều và chàng Kim, chiếc vành trước đây chàng Kim trao cho Kiều làm của tin bây giờ đều được trao lại cho Vân. Nhưng điều đặc biệt là ở mấy chữ "giữ" và "của chung". Chữ "giữ" không có nghĩa là "trao" hẳn mà chỉ để cho em giữ, còn chữ "của chung" thì quá rõ, đều thể hiện cái tâm lí có tính bản năng là không đành lòng trao lại cho em. Những chữ đó chứng tỏ tình yêu của Kiều với Kim Trọng là rất nồng nàn, sâu sắc. Tuy nhiên, Kiều vẫn "trao duyên" cho em thì chứng tỏ trong tình yêu và vì tình yêu, Kiều đã đặt hạnh phúc của người yêu lên trên hết.

Xem thêm Bài tập & Lời giải

Trong: Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 cánh diều bài 2: Trao duyên

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản Trao duyên (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Câu 2: Việc Kiều nhắc đến các kỉ niệm của tình yêu có ý nghĩa gì?

Câu 3: Trong văn bản, Kiều đối thoại với những ai?

Câu 4: Tìm hiểu vị trí của đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều.

Câu 5: Đoạn trích Trao duyên có thể chia làm mấy đoạn nhỏ? Nêu ý chính của mỗi đoạn.

Xem lời giải

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Hãy giải nghĩa các câu thơ trong văn bản.

Câu 2: Hãy tìm những từ ngữ cho thấy Kiều đã nghĩ đến cái chết. Việc tập trung dày đặc những từ ngữ đó có ý nghĩa gì?

Câu 3: Nhận xét về mối quan hệ giữa tình cảm và lí trí, nhân cách và thân phận của Kiều qua đoạn trích.

Câu 4: Em cảm nhận được gì về nỗi đau của Kiều qua các từ, cụm từ: thịt nát xương mòn, chín suối, chị về, hồn, thác oan? Hãy giải thích vì sao cái chết ám ảnh Kiều.

Câu 5: Hãy nhận xét đặc điểm ngôn ngữ trong văn bản.

Xem lời giải

4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Phân tích tâm trạng Kiều sau khi “trao duyên” và ý thức của nàng về nỗi đau thân phận khi tình yêu tan vỡ.

Câu 2: Đoạn trích Trao duyên là những dòng thơ lâm li thể hiện bi kịch tình yêu đau đớn bậc nhất trong Truyện Kiều. Hãy cho biết thực chất bi kịch ở đây là gì.

Câu 3: Viết bài văn phân tích văn bản.

Xem lời giải

Xem thêm các bài Soạn ngữ văn 11 tập 1 cánh diều, hay khác:

Để học tốt Soạn ngữ văn 11 tập 1 cánh diều, loạt bài giải bài tập Soạn ngữ văn 11 tập 1 cánh diều đầy đủ kiến thức, lý thuyết và bài tập được biên soạn bám sát theo nội dung sách giáo khoa Lớp 11.

Lớp 11 | Để học tốt Lớp 11 | Giải bài tập Lớp 11

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 11, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 11 giúp bạn học tốt hơn.