1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản Trao duyên (tác giả, thể loại, nội dung,…)
Câu 2: Việc Kiều nhắc đến các kỉ niệm của tình yêu có ý nghĩa gì?
Câu 3: Trong văn bản, Kiều đối thoại với những ai?
Câu 4: Tìm hiểu vị trí của đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều.
Câu 5: Đoạn trích Trao duyên có thể chia làm mấy đoạn nhỏ? Nêu ý chính của mỗi đoạn.
Bài Làm:
Câu 1:
– Tác giả: Nguyễn Du
– Thể loại: truyện thơ Nôm
– Văn bản trích từ câu 723 đến 756 trong Truyện Kiều.
– Về nội dung: Đoạn trích bộc lộ phẩm chất cao quý của Thuý Kiều trong tình yêu. Trước tình yêu tan vỡ, nàng có thể làm tất cả những gì có thể làm được cho hạnh phúc của người mình yêu, đồng thời nói lên nỗi đau đớn cực độ một khi đành phải tự nguyện từ bỏ tình yêu.
– Về nghệ thuật: Nguyễn Du đã thể hiện một năng lực thấu hiểu con người qua việc miêu tả tâm lí nhân vật, sử dụng thành công lời đối thoại và độc thoại của nhân vật.
Câu 2:
– Trong khi nói với Thuý Vân, Kiều cảm tưởng như sống lại với các kỉ niệm của tình yêu với Kim Trọng. Nàng như sống trong hồi ức qua những kỉ vật “Chiếc vành với bức tờ mây” và nhất là tưởng nhớ lại sự kiện đem thề nguyền thiêng liêng: cảnh Kim Trọng cho thêm hương vào lò hương ("Đài sen nối sáp lò đào thêm hương”) được tái hiện qua “mảnh hương nguyền” (“đốt lò hương ấy”), cảnh Kiều đàn cho Kim Trọng nghe (“so lần dây vũ dây văn”) được nói tới qua “phím đàn” (“so tơ phím này”). Các từ ngữ này cho thấy trong tâm hồn Kiều, những kỉ niệm đẹp đẽ của tình yêu có sức sống mãnh liệt. Những hình ảnh “đốt lò hương” và “so tơ” đều đã được nói đến trong đêm thề nguyền. Các kỉ niệm khắc sâu như thế cho thấy tình yêu ở nàng sâu sắc và mãnh liệt.
Câu 3:
– Về hình thức, ta thấy toàn bộ trích đoạn là lời thoại của Kiều nói với Thuý Vân. Tuy nhiên, có lúc, Kiều chuyển đối tượng, như đang đối thoại với Kim Trọng chứ không còn nói với Thuý Vân nữa, có lúc nàng tự nói với chính mình (những từ ngữ và hình ảnh gợi lại kỉ niệm tình yêu hoặc: “Bây giờ trâm gãy gương tan – Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!” cũng là tự nói với mình).
Câu 4:
– Trước sự kiện “trao duyên” cho Thuý Vân, Thuý Kiều đã bán mình lấy tiền hối lộ cho bọn sai nha để bố và em trai Vương Quan khỏi bị giam cầm, đánh đập. Có nghĩa là lời thề nguyền với Kim Trọng không thể thực hiện được nữa, Nguyễn Du đã có một sáng tạo nhỏ mà quan trọng so với Kim Vân Kiều truyện: ở nguyên tác, Thuý Kiều trao duyên cho Thuý Vân trước khi bán mình, tức là “trao duyên” trước khi tình yêu với Kim Trọng bị tan vỡ. Lôgic của cảm xúc như vậy không có sức thuyết phục bằng việc đặt sự kiện trao duyên sau khi đã bán mình.
Câu 5:
Đoạn trích gồm 34 câu, có thể chia làm hai đoạn nhỏ:
– Đoạn 1 (từ câu 723 đến câu 736): Thuý Kiều nhờ Thuý Vân thay mình trả nghĩa Kim Trọng.
– Đoạn 2 (từ câu 737 đến câu 756): Tâm trạng của Kiều sau khi trao duyên. Kiều thấy cuộc sống hạnh phúc của mình đến đây là hết; nỗi đau đớn vì tình yêu tan vỡ, càng đau đớn vì đã phụ tình Kim Trọng.