3. VẬN DỤNG (3 câu)
Câu 1: Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu đã để lại những bài học gì đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Câu 2: Nêu hành động cụ thể mà một học sinh THPT có thể làm để đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Câu 3: Nêu một số biểu hiện về sự mở rộng của chủ nghĩa xã hội ở châu Á và khu vực Mỹ La-tinh.
Bài Làm:
Câu 1:
Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu đã để lại những bài học đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay:
- Kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo, gắn bó mật thiết với nhân dân.
- Nâng cao cảnh giác, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
- Tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới.
=> Trong bối cảnh hiện nay, việc rút ra các bài học quý báu không chỉ là để bảo vệ những thành quả cách mạng của giai đoạn trước mà còn đưa những thành quả đó lên một tầm cao mới, tiếp tục thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Câu 2:
Một số hành động, việc làm cụ thể mà một học sinh THPT có thể làm để đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam:
- Chăm chỉ, sáng tạo trong học tập và lao động sản xuất; có mục đích, động cơ học tập, làm việc và lý tưởng sống đúng đắn.
- Quan tâm đến đời sống chính trị- xã hội của địa phương, đất nước.
- Thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng thời vận động mọi người xung quanh cùng thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
- Tích cực rèn luyện đạo đức, tác phong; lối sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội; biết đấu tranh chống các biểu hiện của lối sống lai căng, thực dụng, xa rời các giá trị văn hoá - đạo đức truyền thống của dân tộc.
- Tích cực tham gia góp phần xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực, phù hợp khả năng như: tham gia bảo vệ môi trường; phòng chống tệ nạn xã hội; tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hoạt động thiện nguyện,…
- Phê phán, đấu tranh với những hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Câu 3:
Một số biểu hiện về sự mở rộng của chủ nghĩa xã hội ở châu Á và khu vực Mỹ La-tinh: Đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới bao gồm 14 quốc gia ở châu Âu, châu Á và khu vực Mỹ La-tinh, chiếm khoảng 1/4 diện tích của Trái Đất (hơn 35 triệu km2), với khoảng 1,2 tỉ dân (chiếm 35 % dân số thế giới). Về kinh tế, hệ thống này chiếm khoảng 30 % giá trị tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới lúc bấy giờ. Hệ thống xã hội chủ nghĩa nói chung và Liên Xô nói riêng còn có ảnh hưởng quan trọng trong việc giải quyết các vấn để quốc tế.