-
NHẬN BIẾT (7 câu)
Câu 1: Em hãy cho biết khái niệm của bình đẳng giới?
Câu 2: Em hãy cho biết mục tiêu bình đẳng giới là gì?
Câu 3: Em hãy cho biết ý nghĩa của việc bình đẳng giới.
Câu 4: Em hãy cho biết biểu hiện của bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống.
Câu 5: Đảng và Nhà nước đã thực hiện những gì để đảm bảo quyền bình đẳng giới?
Câu 6: Công dân có trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện quyền bình đẳng giới.
Câu 7: Mỗi gia đình có trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện quyền bình đẳng giới.
Bài Làm:
Câu 1:
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Câu 2:
Theo quy định Điều 4, Luật Bình đẳng giới 2006, mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giưới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Câu 3:
Ý nghĩa của bình đẳng giới:
+ Quyền bình đẳng giới nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử về giới.
+ Tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ; đồng thời thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Câu 4:
- Trong lĩnh vực chính trị: Nam, nữ bình đẳng trong tất cả các hoạt động chính trị, tham gia quản lí nhà nước, các hoạt động xã hội, bầu cử, ứng cử, đề bạt, bổ nhiệm trong các cơ quan tổ chức.
- Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo: bình đẳng về độ tuổi đi học, trong độ tuổi thụ hưởng chính sách giáo dục, học tập, bồi dưỡng, chọn lựa ngành nghề đào tạo.
- Trong lĩnh vực lao động: bình đẳng về tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm, hưởng lương, thưởng chế độ làm việc, chế độ làm việc, đề bạt, bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp.
- Trong gia đình: vợ chồng bình đẳng trong quan hệ hôn nhân, gia đình, quan hệ tài sản, chăm sóc con cái.
- Trong lĩnh vực kinh tế: nam nữ bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao.
Câu 5:
Để đảm bảo quyền bình đẳng giới thực chất, Đảng và Nhà nước quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, giáo dục và đào tạo, lao động, gia đình, kinh tế, xã hội. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt, đối xử về giới.
Câu 6:
Trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền bình đẳng giới:
Công dân cần tìm hiểu về các quy định pháp luật về bình đẳng giới, thực hiện đúng các quy định về bình đẳng giới. Có ý thức thực hiện và vận động mọi người thực hiện quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giới, đồng thời phê phán hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Thực hiện quy định về bình đẳng giới là trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Câu 7:
Trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện quyền bìnhd đẳng giới:
+ Tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới.
+ Giáo dục các thành viên có trách nhiệm chia sẻ và phân công hợp lý công việc gia đình.
+ Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện làm mẹ an toàn.
+ Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác.