Câu 4: (Câu hỏi 4, SGK) Đọc phần (5) của văn bản Buổi học cuối cùng, liệt kê các chi tiết miêu tả thầy Ha-men (về hành động, ngôn ngữ, ngoại hình). Các chi tiết này đã giúp tác giả khắc hoạ được tâm trạng gì của thầy Ha-men?
Bài Làm:
Trong phần (5), phần cuối của truyện, có nhiều chi tiết miêu tả đặc sắc: thầy Ha-men “người tái nhợt”, “nghẹn ngào, không nói được hết câu”, “cầm một hòn phấn và dằn mạnh hết sức, thầy cố viết thật to: NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!” và “đầu dựa vào tường”, “chẳng nói”, chỉ “giơ tay ra hiệu”,... Các chi tiết này đã giúp tác giả khắc hoạ được tình yêu vô bờ của thầy Ha-men đối với tiếng Pháp. Đó cũng là tình yêu nước sâu đậm của thầy đối với nước Pháp.
Lòng yêu nước của thầy Ha-men được thể hiện trong bối cảnh đặc biệt: “Nước Pháp ra đi” vì thất thủ trong cuộc chiến chống quân Phổ. Đó là nỗi đau mất nước, nỗi nhục nô lệ và nỗi xót xa vì không được quyền nói tiếng nói của dân tộc trên chính đất nước mình. Điều đó được thể hiện tập trung và cá biệt hơn trong bối cảnh là một thầy giáo dạy quốc văn ngày cuối cùng được dạy tiếng nói của dân tộc.
Bối cảnh, tâm trạng đó là điều kiện để lòng yêu nước trong thầy được biểu hiện một cách đặc sắc. Những chi tiết miêu tả hình dáng, cử chỉ của thầy ở phần cuối buổi học đã diễn tả sâu sắc điều đó. HS cần cảm nhận và chỉ ra được diễn biến tâm trạng của thầy qua trình tự tăng cấp của hình tượng miêu tả từ sắc mặt “tái nhợt” đến hành vi nghẹn lời “không nói được hết câu”, “dằn mạnh” viên phấn, “cố viết thật to”, rồi cuối cùng là “đầu dựa vào tường”, “chẳng nói” và chỉ “giơ tay ra hiệu”. Nỗi đau được thể hiện cụ thể bằng cảm giác cơ thể, như hiện hình trên da thịt. Sự xúc động đến tái mặt, run người, không nói nên lời của thầy Ha-men cho thấy Tổ quốc thiêng liêng và có ý nghĩa biết bao trong tâm hồn thầy, kết tinh trong tiếng nói dân tộc mà thầy hằng dạy.