Tiếng gà trưa
(XUÂN QUỲNH)
1. Các dòng thơ trong bài chủ yếu được viết theo thể thơ nào?
- A. Ba chữ
- B. Bốn chữ
- C. Năm chữ
- D. Tự do
2. Bài thơ thể hiện cảm xúc chủ đạo nào của nhân vật trữ tình?
- A. Nhớ về những năm tháng tuổi thơ với nhiều kỉ niệm đẹp
- B. Thương bà đã già nhưng vẫn còn cơ cực, đắng cay
- C. Yêu bà, yêu Tổ quốc và xóm làng thân thuộc
- D. Nhớ bà và biết ơn những điều bà đã làm cho mình
3. (Câu hỏi 2, SGK) Dòng thơ “Tiếng gà trưa” được lặp lại mấy lần trong bài thơ? “Tiếng gà trưa” đã khơi gợi ở người cháu những hình ảnh và kỉ niệm gì của tuổi thơ? Em ấn tượng với hình ảnh hoặc kỉ niệm nào nhất? Vì sao?
4. (Câu hỏi 3, SGK) Người bà hiện lên qua những hình ảnh, chi tiết nào? Qua đó, em có cảm nhận như thế nào về người bà và những tình cảm người cháu dành cho bà?
5. Đọc khổ thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác Ổ trứng hồng tuổi thơ.
a) So với một khổ thơ truyền thống, khổ thơ này có gì khác biệt về số dòng thơ.
b) Cấu trúc dòng thơ nào được lặp lại trong khổ thơ? Tác dụng của việc lặp lại đó là gì?
c) Qua khổ thơ trên, người cháu đã bộc lộ tình cảm gì? Em có nhận xét gì tình cảm đó?
6. Người thân nào trong gia đình là người em thường nghĩ đến mỗi khi gặp khó khăn? Nêu những tình cảm của em dành cho người đó. Viết câu trả lời của em trong khoảng 5 dòng.
Bài Làm:
1. C.
2. D.
3.
– Dòng thơ “Tiếng gà trưa” được lặp lại 3 lần trong bài thơ. _ “Tiếng gà trưa” đã khơi gợi lại ở người cháu những hình ảnh và kỉ niệm của tuổi thơ:
+ Hình ảnh những con gà mái mơ, mái vàng và ổ trứng hồng.
+ Hình ảnh người bà với lòng yêu thương, chắt chiu dành dụm, chăm lo cho cháu.
+ Niềm vui và mong ước của tuổi thơ: có được bộ quần áo mới từ tiền bán gà của bà.
_ HS tự xác định hình ảnh hoặc kỉ niệm em có ấn tượng và giải thích lí do.
4.
– Người bà hiện lên qua những hình ảnh, chi tiết: Tay bà khum soi trứng / Dành từng quả chắt chiu / Cho con gà mái ấp; Khi gió mùa đông tới / Bà lo đàn gà toi / Mong trời đừng sương muối / Để cuối năm bán gà / Cháu được quần áo mới.
- Qua đó, hình ảnh người bà hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp:
+ Tần tảo, chắt chiu trong cảnh nghèo.
+ Chăm lo và dành trọn vẹn tình yêu thương cho cháu.
- Tình cảm người cháu dành cho bà: nhớ bà, yêu thương, kính trọng và biết ơn bà.
5.
a) So với một khổ thơ truyền thống (có 4 dòng), khổ thơ này có số dòng thơ nhiều hơn (6 dòng).
b) Cấu trúc dòng thơ “Vì...” được lặp lại ba lần. Ngoài ra, ở dòng 4, tác giả cũng viết “vì bà”. Cấu trúc dòng thơ này giải thích nguyên nhân mà người cháu cầm súng lên đường chiến đấu. Người cháu chiến đấu vì lòng yêu nước, vì mong muốn góp phần giải phóng đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho xóm làng và cho bà. Đặc biệt là để cho tiếng gà “cục tác” được vang lên trong cuộc sống thanh bình, mang lại cho những đứa trẻ như cháu niềm hạnh phúc từ “ổ trứng hồng tuổi thơ” mà người bà chắt chiu mới có được.
c) Qua khổ thơ, người cháu thể hiện tình yêu và lòng biết ơn đối với bà; đồng thời, cũng thể hiện lòng yêu nước, yêu cuộc sống hoà bình. Đó là những tình cảm trong sáng, giản dị nhưng cao đẹp, thiêng liêng.
6.
"Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc. Mẹ ru yêu thương con tha thiết".
Khi nghe ca khúc này, tôi chợt nhớ đến hình dáng đấng sinh thành, người đã sinh ra tôi, đã không ngại khổ nuôi tôi khôn lớn. Và đó chính là mẹ, người luôn đứng vị trí quan trọng nhất trong tâm trí tôi.
Thật vậy, trong gia đình, tôi thương nhất là mẹ vì mẹ đã luôn dành riêng cho tổ ấm này một tình thương bao la, không sao tả xiết. Thân hình nhỏ bé chăm chỉ làm việc cùng đôi bờ vai gầy gầy đã gánh bao nhiêu cực khổ khiến tôi thương mẹ lắm. Tôi yêu nhất đôi bàn tay hằng ngày khám bệnh cho bệnh nhân, tối về lại phải chăm sóc gia đình, nấu những bữa cơm nóng hổi rồi về đêm khi ánh trăng tròn lên cao, đôi bàn tay ấy chưa được yên giấc, tiếp tục vỗ vỗ quạt quạt ru chị em tôi chìm vào giấc ngủ và từ khuôn miệng xinh xắn của mẹ cất lên lời hát ru ngọt ngào mà tha thiết, đậm đà tình thương bao la của người mẹ dành cho những đứa con.
Mặc dù vất vả đến thế nhưng mẹ tôi chẳng than lấy một lời, mẹ quả thật là người cứng rắn, biết cam chịu một cách đáng khâm phục. Mẹ luôn cẩn thận trong mọi việc, hoàn thành tốt và biết chịu trách nhiệm từ những việc mình làm để làm gương tốt cho con cái. Tuy nhiên trong việc dạy dỗ con, mẹ là người rất nghiêm túc. Mẹ luôn chỉ bảo cho chị em tôi những cái hay cái tốt, từ những việc nhỏ nhặt như công việc nhà đến việc lớn như cách ăn nói sao cho đúng mực, thái độ và cách cư xử với mọi người sao cho phù hợp. Mẹ quan tâm đến mọi việc tôi làm, nếu có việc gì không vừa lòng mẹ liền trách và phân tích rõ cho tôi hiểu vì sao tôi không nên làm như vậy, tuy vậy tôi cũng không giận mẹ mà ngược lại, tôi thấy kính trọng mẹ nhiều hơn. Trong gia đình là thế nhưng ngoài xã hội, mẹ là người hiền lành, dễ hòa đồng, biết cách ứng xử trong mọi tình huống và điều đặc biệt ở mẹ khiến nhiều người quý mến là mẹ rất biết cách ăn nói cho vừa lòng mọi người. Và tôi thấy mình thật may mắn khi được làm con của mẹ.