2. Sưu tầm các tài liệu (bài viết, tranh ảnh...) về cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất thành
Bài Làm:
Năm 1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn. Người ở tạm tại trụ sở chi nhánh của công ty Liên Thành đặt tại Sài Gòn. Lần đầu tiên vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành nhìn thấy cảnh ăn chơi xa hoa dành riêng cho người Pháp, còn người dân Việt Nam thì đa số vẫn lam lũ, làm đủ nghề nặng nhọc, kéo xe, bốc vác,…Người đi vào xóm thợ, làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ học nghề ở Trường đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn, Người cũng đến làm quen với các chủ hiệu giặt ủi ở gần cảng Nhà Rồng, chuyên nhận giặt quần áo cho các thủy thủ trên tàu của Pháp để xin việc làm trên tàu, Người đang tìm cách thực hiện những chuyến đi xa.
Năm 1911, bến cảng Sài Gòn đã có nhiều tàu biển của nước ngoài ra vào, có tàu của Pháp, Anh, Na Uy, Nhật, Đức…Chiếc tàu lớn của hãng Sácgiơ Rêuyni đậu gần cột cờ Thủ Ngữ, nỗi lên dòng chữ Amiran Latusơ Tơvêvin. Tàu này cập bến Sài Gòn ngày 17 – 5 – 1911, ngày 21 – 5 rời cảng Sài Gòn đi Hải Phòng đến ngày 2 – 6 – 1911 tàu trở lại Sài Gòn. Ngày 3 – 6 – 1911, một thủy thủ của tàu dẫn Nguyễn Tất Thành với tên mới là Văn Ba lên tàu gặp thuyền trưởng Maixen và được nhận vào làm phụ bếp trên tàu. Ngày 5 – 6 – 1911, tàu Amiran Latusơ Tơvêvin rời bến cảng Sài Gòn đi Mácxây mang theo một người thanh niên Việt Nam đầy lòng yêu nước thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn là tìm hiểu nền văn minh của thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc lên đường sang Pháp.
Năm 1912, Nguyễn Tất Thành rời Pháp đi vòng Châu Phi trên một chuyến tàu chở hàng. Mỗi lần tàu dừng chân lại bến cảng các nước, Người tranh thủ lên thăm thành phố cảng để ngắm nhìn phong cảnh và xem xét cuộc sống của người dân ở đó. Một lần tàu ghé Đeca (Dakar) thủ đô nước Xênêgan (Sénégal) ở phía tây Châu Phi, vào lúc đó sóng biển dữ dội, tàu vật lộn mãi với sóng gió vẫn không vào được bờ và cũng không thể thả ca nô xuống được. Bọn chủ tàu đứng trên bờ bắt người da đen bản xứ thay nhau nhảy xuống biển, bơi ra để liên lạc với tàu. Họ đã bị sóng biển cuốn trôi một cách tàn nhẫn. Nguyễn Tất Thành rất xúc động và khóc trước cách đối xử dã man của bọn thực dân da trắng đối với người dân thuộc địa. Nguyễn Tất Thành tiếp tục đi Máctiních (Martinique) (Trung Mỹ), Urugoay và Áchentina (Nam Mỹ), và dừng chân lại ở Mỹ vào cuối năm 1912. Tại đây, Nguyễn Tất Thành có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ, đọc bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của nước Mỹ.
Khoảng giữa năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo con tàu rời Mỹ trở về Lơhavơ đi Anh. Những năm tháng sống ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã tích lũy được thêm những hiểu biết về chế độ chính trị của xã hội tư sản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa của một nước tư bản sớm phát triển, nhất là trang bị cho mình một kiến thức khá vững vàng về tiếng Anh – một công cụ quan trọng trong giao tiếp và đấu tranh chính trị. Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại nước Pháp và cư trú ở Paris, Nguyễn Tất Thành tham gia hoạt động trong phong trào công nhân và tham gia Đảng xã hội.
Khi tham gia vào Đảng xã hội Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã viết “Bản yêu sách 8 điểm” của nhân dân An Nam gửi nghị viện Pháp và các đoàn đại biểu dự Hội nghị Vécxây yêu cầu Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Ngày 30/6/1923, Người đến Liên Xô học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin về chế độ xã hội chủ nghĩa. Tại đây, Người tham gia Đại hội thứ I Quốc tế nông dân và được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân và được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á. Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thanh lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam, đồng thởi mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Ngày 3/2/1930 tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1930 đến năm 1940, Người tham gia công tác của Quốc tế cộng sản ở nước ngoài, đồng thời theo dõi sát phong trào cách mạng trong nước và có những chỉ đạo đúng đắn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941 Nguyễn Ái Quốc về nước và chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là đầu nguồn), một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Tường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), sát biên giới Việt – Trung làm nơi đứng chân đầu tiên xây dựng căn cứ địa cách mạng. Từ ngày 8 – 2 – 1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại hang này.