C. Hoạt động ứng dụng
1. Hãy tìm hiểu và giới thiệu về đồng bằng Bắc Bộ
a. Chọn một chủ đề mà em quan tâm
b. Với sự giúp đỡ của người thân, em hãy tìm hiểu về chủ đề đã chọn và tạo ra một sản phẩm về chủ đề đó
c. Trong buổi học tới, hãy giới thiệu sản phẩm của em với các bạn
Bài Làm:
Ví dụ mẫu: Giới thiệu Hát quan họ
Dân ca Quan họ là loại hình văn hóa phi vật thể. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Quan họ có từ thế kỷ 17, bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xóm. Về mặt sáng tạo nghệ thuật dân ca Quan họ được coi là đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Bắc Ninh có 44 làng Quan họ gốc, đến nay còn gần 30 làng duy trì được lối chơi văn hóa Quan họ.
Quan họ là một làn điệu, một loại hình dân ca đặc sắc, một lối hát giao duyên nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ – Việt Nam mà tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc.
Tên gọi “quan họ” đã có từ rất xa xưa, không ai biết chính xác vì sao lại có tên gọi này. Có rất nhiều giả thuyết lý giải nhưng cho đến nay chưa có giả thuyết nào có đủ tính thuyết phục.Có giả thuyết cho rằng “quan họ” là thể loại âm nhạc của “họ nhà quan” nên được gọi là “quan họ” (khác với các thể loại dân ca khác, quan họ không được sinh ra từ tầng lớp nhân dân lao động, mà được sinh ra từ tầng lớp trung lưu nông thôn). Cũng có truyền thuyết cho rằng, có một ông quan cưỡi ngựa đi qua làng Diềm Xá (xã Hòa Long, huyện Yên Phong), gặp một cô gái đang hát điệu dân ca. Ông quan dừng ngựa lại (họ) để nghe, mê tiếng hát và đặt tên là làn điệu quan họ.
Nội dung chính trong buổi hát Quan họ thường là khi hai bên nam – bọn Quan họ nam và nữ – bọn Quan họ nữ hát đối nhau. Đứng đầu mỗi bọn Quan họ là liền anh, bên nữ gọi là liền chị. Các câu hát có thể được chuẩn bị sẵn, nhưng ra đến khi đối đáp nhau thì thường dựa trên khả năng ứng biến của hai bên.
Thời gian: Từ mồng 4 Tết âm lịch , trong gần ba tháng mùa xuân đầu năm, hội làng ở các làng Quan họ và các làng kế cận liên tiếp diễn ra. Suốt tháng 8 âm lịch lại là các hội lệ vào đám của các làng. Cho nên mùa xuân và mùa thu là mùa hội cũng là mùa ca hát Quan họ rộn rịp, tưng bừng làng trên, thôn dưới.