A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)
1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm:
TẤM LÒNG THẦM LẶNG
Ngày nọ, bố tôi lái xe đưa ông chủ đi tham dự một buổi họp quan trọng tại một thành phố khác. Trong lúc nghỉ ở giữa đường, mấy cậu bé đang chơi quanh đấy hiếu kì kéo đến vây quanh, ngắm nghía và sờ mó chiếc xe sang trọng. Thấy một cậu bé trong nhóm đi cà nhắc vì bị tật ở chân, ông chủ liền bước ra khỏi xe, đến chỗ cậu bé và hỏi:
- Cháu có muốn đôi chân được lành lặn bình thường không?
- Chắc chắn là muốn ạ! Nhưng sao ông lại hỏi cháu như thế? - Cậu bé ngạc nhiên trước sự quan tâm của người xa lạ.
… Chiều hôm đó, theo lời dặn của ông chủ, bố tôi đã đến gặp gia đình cậu bé có đôi chân tật nguyền ấy.
- Chào chị! - Bố tôi lên tiếng trước. - Chị có phải là mẹ cháu Giêm-mi không? Tôi đến đây để xin phép chị cho chúng tôi đưa Giêm-mi đi phẫu thuật để đôi chân cháu trở lại bình thường.
- Thế điều kiện của ông là gì? Đời này chẳng có ai có gì cho không cả. - Mẹ Giêm-mi nghi ngờ nói.
Trong gần một tiếng đồng hồ sau đó, bố tôi kiên nhẫn giải thích mọi chuyện và trả lời mọi câu hỏi của hai vợ chồng. Cuối cùng, hai người đồng ý cho Giêm-mi phẫu thuật.
Kết quả cuối cùng hết sức tốt đẹp. Đôi chân Giêm-mi đã khoẻ mạnh và lành lặn trở lại. Giêm-mi kể cho bố tôi nghe ước mơ được trở thành doanh nhân thành công và sẽ giúp đỡ những người có hoàn cảnh không may mắn như cậu.
Về sau, cậu bé Giêm-mi may mắn ấy trở thành một nhà kinh doanh rất thành đạt như ước mơ của mình. Đến tận khi qua đời, theo tôi biết, Giêm-mi vẫn không biết ai là người đã giúp đỡ ông chữa bệnh hồi đó… Nhiều năm trôi qua, tôi luôn ghi nhớ lời ông chủ đã nói với bố tôi: "Cho đi mà không cần phải nhận lại sẽ là niềm vui lâu dài".
(Bích Thủy)
Câu 1 (0,5 điểm). Cậu bé trong câu chuyện gặp điều không may gì?
- A. Bị tật ở chân.
- B. Bị ốm nặng.
- C. Bị khiếm thị.
Câu 2 (0,5 điểm). Ông chủ đã giúp đỡ cậu bé như thế nào?
- A. Nhận cậu bé về làm con nuôi rồi chữa bệnh và cho cậu ăn học đàng hoàng.
- B. Đến nhà và đích thân chữa bệnh cho cậu bé.
- C. Cho người lái xe riêng đến thuyết phục cha mẹ cậu để ông được trả tiền chữa bệnh cho cậu bé.
Câu 3 (0,5 điểm). Vì sao ông chủ lại bảo người lái xe của mình làm việc đó?
-
A. Vì ông đang ở nước ngoài, chưa thể về nước được.
-
B. Vì ông không muốn gia đình người được giúp đỡ biết mình là ai.
-
C. Vì ông muốn nhận cháu bé làm con nuôi nhưng sợ bố mẹ cậu bé từ chối.
Câu 4 (0,5 điểm). Câu chuyện muốn nói với em điều gì?
- A. Hãy giúp đỡ những trẻ em nghèo, bệnh tật.
- B. Hãy giúp đỡ người khác khi mình giàu có và có điều kiện.
- C. Hãy giúp đỡ người khác một cách chân thành mà không cần đòi hỏi sự báo đáp.
Câu 5 (2,0 điểm). Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi.
Chị mây vừa kéo đến
Trăng sao trốn cả rồi
Đất nóng lòng chờ đợi
Xuống đi nào, mưa ơi!
Mưa! Mưa xuống thật rồi!
Đất hả hê uống nước
Ông sấm vỗ tay cười
Làm bé bừng tỉnh giấc.
Chớp bỗng lòe chói mắt
Soi sáng khắp ruộng vườn
Ơ! Ông trời bật lửa
Xem lúa vừa trổ bông.
(Đỗ Xuân Thanh)
- a. (0,5 điểm) Các sự vật trời, mây, sấm được gọi bằng những từ ngữ nào?
- b. (0,5 điểm) Các sự vật trăng sao, đất được tả bằng những từ ngữ nào?
- c. (0,5 điểm) Câu thơ nào cho thấy tác giả nói với mưa thân mật như nói với con người?
- d. (0,5 điểm) Nêu tác dụng của biện pháp nhân hóa được sử dụng trong bài thơ trên.
Câu 6 (2,0 điểm). Phát hiện từ dùng sai trong mỗi câu dưới đây và chữa lại cho đúng.
- a. Một cơn gió nhẹ lướt qua, làm những chiếc lá rung chuyển.
- b. Nước sông vẫn đỏ chót phù sa nhưng cảnh vật đôi bờ đã có nhiều đổi khác.
- B. TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)
Câu 7. Viết đoạn văn (1,5 điểm)
Đề bài: Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc của em với một người gần gũi, thân thiết.
Câu 8. Viết bài văn (2,5 điểm)
Đề bài: Thuật lại một sự việc để lại cho em nhiều ấn tượng trong lễ khai giảng năm học mới ở trường em.
Hướng dẫn trả lời:
- A. TIẾNG VIỆT: (6,0 điểm)
Câu 5 (2,0 điểm)
- a. Ông – chị – ông.
- b. Trốn – nóng lòng chờ đợi, hả hê uống nước.
- c. Hai câu thơ sau cho thấy tác giả nói với “mưa” thân mật như nói với con người:
- d. Nhờ vào biện pháp nhân hóa mà bài thơ trở nên hấp dẫn, sinh động và cuốn hút hơn.
Câu 6 (2,0 điểm) Mỗi ý đúng được 1,0 điểm
- a. Lỗi sai: rung chuyển
- b. Lỗi sai: đỏ chót
- B. LÀM VĂN: (4,0 điểm)
Câu 7:
Bà nội là người đã vẽ nên cho em cả một vùng trời tuổi thơ tươi đẹp. Bố mẹ của em là công nhân ở khu công nghiệp, nên suốt thời thơ ấu, em được lớn lên trong vòng tay của bà. Bà vừa là bà, vừa là mẹ, vừa là cô giáo. Bà chăm lo cho em từ bữa ăn đến giấc ngủ, từ bộ áo quần đến món đồ chơi. Dáng vẻ gầy gầy, cái lưng khom khom và mái tóc bạc phơ búi gọn trong tấm vải nhung của bà đã in sâu vào trong miền ký ức của em. Bàn tay của bà nhăn nheo, thô ráp, nhưng ấm áp phi thường. Hơi ấm ấy còn hơn cả bếp lửa ngày đông, hơn cả củ khoai nướng mới ra lò. Được bà xoa đầu, vỗ lưng, ôm vào lòng thì chẳng còn gì có thể hạnh phúc hơn nữa. Em rất biết ơn những chăm lo và hi sinh của bà dành cho mình. Cùng với đó là sự yêu thương, quý mến khó mà diễn tả thành lời. Ngày xa bà lên thành phố với bố mẹ để đi học, em đã khóc rất nhiều. Cả một góc trái tim em đổ sập hết cả, bởi thiếu đi hơi ấm của bà chèo chống. Từ lần đó, em mới thấm thía được nỗi nhớ nhung da diết là như thế nào. Mỗi ngày, em đều mong nhanh đến lúc được gọi điện cho bà, được về quê thăm bà. Vì em nhớ và yêu bà da diết. Chỉ mong sao bà lúc nào cũng khỏe mạnh, yêu đời để tâm hồn em mãi vẫn còn một bầu trời đầy nắng ấm.
Câu 8:
Sáng mồng 5 tháng 9, trường em chính thức tổ chức Lễ khai giảng để bắt đầu một năm học mới.
Từ trước đó một tuần, mọi người đã rục rịch chuẩn bị cho sự kiện ý nghĩa này rồi. Chúng em đến trường, cùng nhau dọn vệ sinh lớp học, nhận sách vở và áo quần đồng phục để chờ đến ngày khai giảng. Chúng em còn cùng nhau tập dượt cho buổi lễ khai giảng nữa. Nào là sẽ tiến vào từ phía nào, vẫy tay ra sao. Tất cả khiến chúng em thêm xao động và mong chờ nhanh nhanh đến ngày diễn ra buổi lễ.
Và rồi, trong sự mong chờ ngóng đợi của em cùng các bạn, ngày diễn ra lễ khai giảng đã đến. Từ 7h chúng em đã có mặt đông đủ để chuyện trò cùng nhau. Sân trường hôm nay khác lạ lắm. Những chiếc cờ và bóng bay được treo khắp nơi. Các thầy cô đều mặc áo dài và vest thật đẹp. Rất nhiều các thầy cô giáo cũ, các anh chị cựu học sinh, các cô chú phụ huynh cũng đến để tham gia buổi lễ. Bầu không khí hân hoan, rộn ràng náo nhiệt lạ lùng.
Đúng 8h, buổi lễ chính thức bắt đầu. Đoàn học sinh lớp 6 chúng em tiến vào từ phía cổng trường, trong sự vỗ tay chào đón nhiệt liệt của tất cả mọi người. Sau đó, là màn hát Quốc ca, Đội ca của tất cả mọi người. Xong xuôi, chúng em ổn định vị trí để bắt đầu phần tiếp theo. Đó là các lời phát biểu của thầy cô, anh chị về cảm xúc trong ngày tựu trường và những mong muốn, mục tiêu cho năm học mới. Nghe những lời phát biểu ấy, em càng thêm rạo rực và mong nhanh được vào lớp học, được cố gắng phấn đấu cùng bè bạn. Giữa các phần phát biểu là các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn do các thầy cô và các anh chị biểu diễn. Tiết mục nào cũng hay và hấp dẫn, khiến mọi người vỗ tay không ngớt. Nhưng điều làm em ấn tượng nhất là bài phát biểu của thầy hiệu trưởng. Lời thầy nói đầy tri thức và động viên đã chạm đến lòng người, khắc sâu vào tâm hồn của mọi người có mặt trong buổi lễ. Cuối cùng, tiếng trống trường rộn ràng vang lên, như một âm thanh báo hiệu một khởi đầu mới. Đó là lúc em cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết rằng một năm học mới đang đợi chúng ta với biết bao cơ hội và thách thức đầy hứng thú.
Kết thúc buổi lễ, chúng em trở về lớp để nhận thời khóa biểu rồi mới trở về nhà. Bạn nào cũng vui vẻ và phấn khởi. Bởi một năm học mới với bao hi vọng mới đã bắt đầu. Lễ khai giảng thực sự là một sự kiện trọng đại và ý nghĩa nhất trong một năm học đối với em.