Đề thi cuối kì 2 Tiếng Việt 4 CTST: Đề tham khảo số 1

<p><strong>Đề tham khảo số 1 cuối kì 2 Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo</strong> gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng <strong>bài tập phong phú</strong> giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo<strong> đáp án và lời giải chi tiết</strong>. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện</p>

A.   TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm:

Bà tôi

          Hồi tôi đã học đến lớp Bốn, lớp bán trú, bà nội vẫn đưa đón tôi. Có hôm buổi trưa, bà cũng rẽ qua trường. Bà xem tôi có bị đói không, có ăn hết suất cơm không, và bà chờ đến lúc trống xếp hàng lên lớp, không nhìn thấy tôi nữa bà mới chịu quay về.

          Bà rẽ qua trường cũng vui. Hôm thì bà mang mận, hôm thì mang táo. Tôi và mấy đứa bạn xúm xít chia nhau. Có đứa cất vào túi để giờ ra chơi nhấm nháp cho tỉnh ngủ. Nhưng tôi không muốn bà vào sân trường, lớp tôi trông thấy, chúng nó lại trêu:

          - Hoàng sướng thật. Bà chiều cậu thế?

          Trống xếp hàng, bà vẫn chưa chịu về. Tôi nhăn nhó:

          - Bà ơi, bà về đi, bà về đi.

          Và đưa tay vẫy vẫy bà.

          Chiều bà đến đón tôi. Trên đường đi, bà hỏi tôi, giọng đượm buồn:

          - Này con, con sợ xấu hổ vì các bạn trông thấy bà gầy gò, hốc hác quá à?

          Tôi vội vàng lắc đầu:

          - Không phải thế, nhưng các bạn bảo “Hoàng lớn rồi mà cứ để cho bà phải lo lắng”.

          Tôi nhăn nhó:

          - Cháu cứ nói mãi mà bà không chịu nghe cơ. Có hôm cô giáo bảo cháu “Chắc bà sợ nhà trường cho con ăn đói đấy. Có hôm cô còn thấy bà cầm đầy một túi bỏng ngô.” mặc dù cô vừa nói vừa cười.

          Từ hôm đó, buổi trưa, bà tôi không ra nữa. Mấy hôm đầu tôi cũng thấy buồn buồn.

          Chiều đón tôi về nhà, bà có bao việc phải làm nhưng bà cứ tắm gội cho tôi, lại còn tắm gội rất kĩ, kì cọ từ cái răng, cái tai. “Trời ạ!”, nhiều lúc tôi kêu lên như thế.

          Rồi một hôm, tôi cương quyết nói với bà:

          - Bà ơi, hôm nay bà để cháu tắm lấy bà ạ. Cháu sẽ tắm sạch sẽ như bà tắm cho cháu. Cháu lớn rồi mà bà cứ coi như trẻ con.

          Bà tôi cười:

          - Lớn rồi ư? Chưa đầy mười tuổi thì lớn với ai cơ chứ?

          Nhưng dần dần bà cũng để tôi tự tắm lấy khi bà thấy tôi tắm gội rất cẩn thận, sạch sẽ. Mấy lần đầu ra khỏi buồng tắm, bà cúi xuống ngửi tóc tôi và khen:

          - Được rồi, sạch đấy, thơm đấy!

          Tôi nhớ mãi có lần bà nói:

          - Khi con lớn, là một thanh niên, biết đi xe máy, biết phóng vù vù, thì chắc lúc ấy bà cũng không còn nữa.

          Thời gian trôi đi nhanh quá, tôi đã trưởng thành, đã là một thanh niên, đã có công ăn việc làm, đã có xe máy, đã phóng vù vù qua khắp phố phường, thì tôi vẫn cứ nhớ mãi những kỉ niệm thời ấu thơ. Tôi cứ nhớ mãi về bà, về sự thương yêu của bà, và lòng tôi cứ ngậm ngùi thương nhớ…

Trần Huy Hoàng

Câu 1 (0,5 điểm). Người bà trong câu chuyện đã “chiều” cháu như thế nào?

  • A. Dạy cháu học.
  • B. Mua quần áo đẹp cho cháu.
  • C. Mua quà mang đến lớp cho cháu và đón cháu vào buổi chiều.

Câu 2 (0,5 điểm). Tại sao bạn nhỏ không muốn bà đến thăm mình vào buổi trưa?

  • A. Vì bạn xấu hổ sợ các bạn trông thấy bà gầy gò, hốc hác quá.
  • B. Vì bạn ngượng với các bạn là mình đã lớn rồi mà vẫn để bà phải lo lắng.
  • C. A, B đều đúng.

Câu 3 (0,5 điểm). Tại sao bạn nhỏ muốn tự mình tắm lấy?

  • A. Vì bạn cho rằng mình đã lớn rồi.
  • B. Vì bạn thương bà vất vả
  • C. Vì bà tắm cho bạn không sạch.

Câu 4 (0,5 điểm). Câu chuyện trên muốn nói với em điều gì?

  • A. Phải biết giúp bà mọi việc cho bà đỡ vất vả.
  • B. Trẻ con không nên làm nũng người lớn.
  • C. Phải biết yêu thương, trân trọng những tình cảm người thân dành cho mình.

Câu 5 (2,0 điểm). Xác định thành phần trạng ngữ và loại trạng ngữ trong các câu sau:

  • a. Trên nền cát, nơi cô tì xuống đón đường bay của giặc, mọc lên những bông hoa tím biếc.
  • b. Ngay thềm lăng, mười tám cây vạn tuế tượng trưng cho đoàn quân danh dự đứng trang nghiêm.
  • c. Vì vắng tiếng cười, vương quốc nọ thật buồn chán.
  • d. Để có được tác phẩm để đời, anh ấy mỗi ngày đều dậy sớm đi ra bờ biển quan sát.

Câu 6 (2,0 điểm). Chọn từ ngữ thích hợp điền vào chỗ trống:

du lịch, du ngoạn, du khách, du mục

  • a. Hằng năm, ………. bốn phương đến tham quan vịnh Hạ Long vô cùng nhiều.
  • b. Những năm gần đây, người Việt Nam đi ………. ở nước ngoài tăng đáng kể.
  • c. Người dân Mông Cổ ngày xưa hầu hết đều là dân ……….
  • d. Người dân có thể dùng thuyền độc mộc ………. trên hồ Ba Bể.

 

B.   TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)

Câu 7. Nghe – viết (1,5 điểm)

Gió lạnh đầu mùa

Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo trước. Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng, và làm ròn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài cánh đồng còn thấy nóng bứt, chảy mồ hôi.

Câu 8. Viết bài văn (2,5 điểm)

Đề bài: Viết bài văn tả một con vật nuôi trong nhà.

 

Hướng dẫn trả lời:

  • A. TIẾNG VIỆT: (6,0 điểm)

Câu 5 (2,0 điểm) Mỗi câu đúng và đủ ý được 0,5 điểm

  • a. Trạng ngữ chỉ nơi chốn: trên nền cát, nơi cô tì xuống đón đường bay của giặc.
  • b. Trạng ngữ chỉ nơi chốn: ngay thềm lăng.
  • c. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân: vì vắng tiếng cười.
  • d. Trạng ngữ chỉ mục đích: để có được tác phẩm để đời.

Câu 6 (2,0 điểm)

  • a. Hằng năm, du khách bốn phương đến tham quan vịnh Hạ Long vô cùng nhiều.
  • b. Những năm gần đây, người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài tăng đáng kể.
  • c. Người dân Mông Cổ ngày xưa hầu hết đều là dân du mục.
  • d. Người dân có thể dùng thuyền độc mộc du ngoạn trên hồ Ba Bể.

 

B. LÀM VĂN: (4,0 điểm)

Câu 7:

Yêu cầu:

- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ

- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu

- Trình bày đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng

Câu 8:

Tham khảo bài viết sau:

    Trong những gia đình nông thôn, khi lúa thóc được quý trọng như vàng bạc sẽ thấy mọi người rất ghét chuột và nhà nào cũng nuôi mèo. Nhà em cũng vậy và không chỉ nuôi một con mà có đến ba con mèo.

    Những con mèo của nhà em đều là giống mèo mướp, chúng có bộ lông màu xám nhạt pha chút màu đen và trắng. Trong số ba con mèo có một con mèo mẹ và hai con mèo con, tuy là mẹ con nhưng vì hai con mèo con đều đã trưởng thành nên nhìn ba mẹ con chúng to ngang bằng nhau. Mỗi con mèo chỉ khoảng hơn 2 ki-lô-gam, thân hình dài, những đôi chân khẳng khiu và chiếc đuôi dài. Chú mèo nào cũng có bộ lông dày và mềm mại như bông.

    Phần đầu của con mèo có chiếc mũi là dễ thương nhất, chiếc mũi bé tí hồng hào và luôn ẩm ướt. Bộ ria dài cứng cáp cong xuống như chiếc cần câu cá, cái miệng bé xinh với những chiếc răng màu trắng li ti trông rất đáng yêu. Đôi tai của mèo nhỏ chỉ bằng hai ngón tay dựng đứng lên liên tục ngoe nguẩy để cảnh giác. Vũ khí tốt nhất của mèo chính là bộ móng vuốt chắc khỏe và sắc nhọn ở chân. Nhờ có bộ vuốt này mà chúng bắt chuột rất giỏi, thậm chí còn leo cây thoăn thoắt. Nhờ có ba con mèo mà nhà em chẳng có bóng dáng của chuột, đêm nào mẹ con chúng cũng đi săn lùng, ban ngày lại rủ nhau lên gác xép nằm cuộn vào nhau ngủ thật ngon lành.

    Mặc dù biết lông mèo có thể gây dị ứng hoặc khiến em phải hắt xì nhiều lần nhưng em vẫn rất thích được ôm mèo vào lòng và sờ bộ lông của chúng. Thi thoảng em lại đem chúng đi tắm cho thơm tho sạch sẽ.

Xem thêm các bài Đề thi Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo, hay khác:

Dưới đây là danh sách Đề thi Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo chọn lọc, có đáp án, cực sát đề chính thức theo nội dung sách giáo khoa Lớp 4.

Lớp 4 | Để học tốt Lớp 4 | Giải bài tập Lớp 4

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 4, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 4 giúp bạn học tốt hơn.