2. Tìm hiểu ý nghĩa câu cả dao
Dù ai nói ngả nói nghiêng,
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Hãy viết một đoạn văn khoảng nửa trang A4 để chia sẻ suy nghĩ của em về ý nghĩa câu ca dao trên?
Bài Làm:
Ca dao, tục ngữ dân gian Việt Nam giống như một “bảo tàng” đúc kết bài học kinh nghiệm sống hàng ngàn năm của cha ông. Những bài học đó khi đưa vào ca dao, tục ngữ không hề khô khan, trừu tượng mà ngược lại rất đậm chất thi ca, dễ thuộc, dễ nhớ. Câu tục ngữ:
“Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.”
là một trong những câu như thế.
Đi vào giải thích câu tục ngữ, ta sẽ hiểu được bài học ẩn chứa sau nó. Trước hết, câu tục ngữ được viết dưới dạng thơ lục bát, sử dụng từ chỉ quan hệ “dù” để thể hiện sự liên kết. Trong câu lục, đại từ “ai” là nói đến những đối tượng không xác định, có thể là người thân, bạn bè, thầy cô, hàng xóm… “Nói ngả nói nghiêng” ám chỉ hành động “nói” không nhất quán, có nhiều quan điểm trái chiều hoặc mang tính phản biện ngược lại một vấn đề nào đó nhưng với hàm ý không tích cực. Câu lục lại đề cập ở vị thế “ta” – chính bản thân con người. “Vững” là kiên cố, chắc chắn, khộng bị giao động trước bất kì thứ gì hay điều gì. “Kiềng ba chân” là vận dụng bằng sắt, có hình vòng cung được gắn ba chân, dùng để đặt nồi lên khi nấu bếp. Tóm lại, cả câu tục ngữ có nghĩa là: dù bất kì điều gì bên ngoài tác động nhưng mỗi người phải có quan điểm, chính kiến đúng đắn và giống như chiếc kiềng ba chân kia, luôn giữ vững lập trường đó.
Trong cuộc sống của mỗi người, sự tác động của hoàn cảnh khách quan đến suy nghĩ và hành động của bản thân là rất lớn. Cánh chim cần bay lượn tự do luôn bị gió trời cản lại. Loài cá thích lội ngược dòng nhưng dòng nước luôn xiết. Con người ưa sống thanh thản nhưng xã hội nhiễu nhương làm phiền. Cuộc sống luôn có nhiều thử thách mà cuộc sống khách quan mang đến, và không phải ai cũng đủ ý chí để không bị xoay chuyển. Đôi lúc cánh chim cũng bị gió bão quật ngã, dòng nước xô loài cá về vạch xuất phát và con người cũng có lúc lao vào vòng xoáy nhiễu nhương của xã hội. Đó là thực tế không ai có thể phủ nhận.
Tuy nhiên, mượn câu nói “quyết chí ắt làm nên” của Bác Hồ, tôi có thể chắc chắn một điều, chỉ cần bạn quyết tâm thì không có gì có thể lay chuyển. Loài cò trắng mỗi năm trở gió vẫn vượt quãng đường hàng nghìn cây số tránh rét. Cá hồi mỗi năm vượt biển Thái Bình Dương bắt đầu cuộc hành trình 3.000 dặm về thượng nguồn đẻ trứng. Đó là những hình ảnh kì diệu của “bà mẹ thiên nhiên mạnh mẽ”.
Trái lại, với con người? Một bác sĩ không có chính kiến dễ dàng đánh mất lương y trước “phong bì” của người nhà bệnh nhân. Một quan chức nhà nước không công tư phân minh dễ dàng trở nên quan liêu, lạm quyền, vụ lợi. Hay một chủ sản xuất thực phẩm nhỏ cũng có thể “đầu độc người tiêu dùng” nếu vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ đi đạo đức nghề nghiệp. Đến đây ta mới hiểu, không có cái “kiềng ba chân” trong tâm, tai hại tới nhường nào.
Phải thừa nhận rằng đôi lúc nên nghe người khác đưa ra ý kiến nhưng không đồng nghĩa với việc nghe và làm theo những gì họ nói một cách mù quáng, dập khuôn. Đơn cử như vấn đề một cặp bạn trẻ rất yêu nhau nhưng gia đình hai bên đều phản đối vì lí do lấy nhau sẽ nghèo khổ vì cả hai đều đang thất nghiệp. Trong tình huống này, hai bạn cần tiếp thu ý kiến từ phụ huynh, bởi cha mẹ luôn luôn suy nghĩ những điều tốt nhất cho con cái. Tuy nhiên, không vì lẽ đó mà hai bạn phải chia tay, thay vào đó có thể cố gắng tìm công việc làm ổn định, đời sống khá lên, dần dần hai bên gia đình sẽ chấp nhận. Lời khuyên của người khác chỉ có tính chất góp ý, cuối cùng bản thân ta phải là người quyết định.