2. Những thành tựu tiêu biểu
2.3. Tổ chức xã hội và nhà nước
Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các Sơ đồ 12.1. 12.2, Hình 12.6, hãy nêu những thành tựu tiêu biểu về tổ chức xã hội, nhà nước của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.
Bài Làm:
Những thành tựu tiêu biểu về tổ chức xã hội, nhà nước của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc:
- Tổ chức xã hội, nhà nước Văn Lang:
- Nhà nước Văn Lang ra đời vào khoảng thế kỉ VII TCN. Thủ lĩnh của bộ lạc Văn Lang đã thu phục các bộ lạc khác, tự xưng là Hùng Vương, thành lập nhà nước Văn Lang. Phạm vi của nhà nước Văn Lang: ven sông Hồng từ Việt Trì (Phú Thọ) đến chân núi Ba Vì (Hà Nội) ngày nay. Kinh đô của nhà nước Văn Lang thuộc Việt Trì (Phú Thọ) ngày nay.
- Tổ chức nhà nước Văn Lang: Hùng Vương chia nước làm 15 bộ, giúp việc cho vua là các Lạc hầu, Lạc tướng. Đứng đầu các chiềng, chạ là Bồ chính. Con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mị nương. Xã hội bao gồm những người quyền quý, dân tự do (nông dân công xã, thợ thủ công) và nô tì. Nhà nước Văn Lang đã được hình thành từ trung ương đến địa phương nhưng sơ khai, tổ chức đơn giản, chia làm 3 cấp (chỉ có vài chức quan). Nhà nước chưa có quân đội, chưa có luật pháp, nhưng đã là tổ chức chính quyền cai quản nhà nước. Khi có chiến tranh, nhà nước huy động thanh niên trai tráng ở các chiềng, chạ tập hợp lại cùng chiến đấu.
- Tổ chức xã hội, nhà nước Âu Lạc:
- Thời Âu Lạc, người Việt tiếp tục đối mặt với âm mưu xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc. An Dương Vương đã cho xây thành Cổ Loa “dài đến ngàn trượng, cao và xoáy trôn ốc” để phòng vệ. Thời Văn Lang tư liệu chủ yếu là công cụ trong khi thời Âu Lạc, tư liệu chủ yếu là vũ khí vì: Thời Âu Lạc thường xuyên phải chống ngoại xâm, giữ nước nên tư liệu chủ yếu là vũ khí, thành Cổ Loa cũng là quân thành; kĩ thuật luyện kim và trình độ quân sự thời Âu Lạc cao hơn thời Văn Lang.
- Điểm mới của tổ chức nhà nước Âu Lạc so với nhà nước Văn Lang:
- Vua có quyền thế hơn trong việc trị nước, có quân đội và vũ khí tốt.
- Lãnh thổ mở rộng hơn (vượt ra khỏi vùng châu thổ sông Hồng) trên cơ sở hòa hợp và thống nhất giữa người Âu Việt và Lạc Việt, nên nước được chia thành nhiều bộ hơn.
- Cư dân Âu Lạc biết sử dụng nỏ có thể bắn nhiều mũi tên một lần.
- Xây dựng thành Cổ Loa, vừa là kinh đô, vừa là căn cứ quân sự vững chắc.