Bài tập 2. Đọc lại văn bản Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 105 – 110) và trả lời các câu hỏi:
1. Đăm Săn đã phản ứng như thế nào khi nghe lời khuyên của Đăm Par Kvây? Những phản ứng đó thể hiện phẩm chất gì của nhân vật?
2. Vì sao biết mình sẽ gặp nguy hiểm trên đường đến nhà Nữ Thần Mặt Trời, Đăm Săn vẫn quyết định lên đường?
3. Vì sao đã được báo trước là sẽ chết trong Rừng Đen khi mặt trời lên, Đăm Săn vẫn quyết định quay về nhà? Hành động quyết tâm quay trở lại với làng hoang nhà cũ của Đăm Săn cho thấy quan niệm gì của người Ê-đề?
4. Cảnh tượng ngôi nhà của Nữ Thần Mặt Trời được miêu tả như thế nào? Bạn có nhận xét gì về cách thức miêu tả đó?
5. Đọc kĩ phần cước chú cho các chi tiết trong văn bản. Những thông tin này giúp bạn hiểu thêm điều gì về sử thi Đăm Săn?
6. Phân tích không gian nghệ thuật trong đoạn trích. Cách tổ chức không gian đó cho bạn biết điều gì về quan niệm vũ trụ của người Ê-đê?
7. Tìm các chi tiết thể hiện thái độ của người kể chuyện với nhân vật và câu chuyện được kể. So sánh thái độ của người kể chuyện trong đoạn trích Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời và thái độ của người kể chuyện trong đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác.
Bài Làm:
1. Đăm Săn vẫn không chịu lùi bước, quyết tâm đi bắt Nữ Thần Mặt Trời, khắc phục mọi khó khăn trên đường đi. Phản ứng này của Đăm Săn thể hiện sự dũng mãnh, lòng can đảm, quyết tâm mãnh liệt, ý chí tự do của chàng, qua đó, thể hiện quan niệm của người Ê-đê về người anh hùng của cộng đồng.
2. Vì chàng muốn khẳng định sức mạnh của một tù trưởng – người đứng đầu của cả một cộng đồng. Đồng thời, mục đích của chàng nhằm thể hiện sự ước mơ, mong muốn đi tìm lấy những cái siêu nhiên, những cái khó nắm bắt. Đó cũng là ước mơ được vượt thoát ra khỏi sự hữu hạn, tìm kiếm cái siêu việt của người dân Ê- đê.
3. Đã được báo trước là sẽ chết trong Rừng Đen khi mặt trời lên, Đăm Săn vẫn quyết định quay về nhà là bởi: Đăm Săn ý thức về danh dự của mình. Đồng thời, nhân vật sử thi Tây Nguyên rất coi trọng bản làng. Đăm Săn muốn đem Nữ Thần Mặt Trời xuống trần, về làm vợ. Khi nguyện ước không thành, chàng nhất quyết ra về. Người anh hùng Ê-đê dù có đi đâu cũng trở về với bản làng của mình. Đằng sau hành động của Đăm Săn là quan niệm của người Ê-đê về danh dự, về bản làng, về người anh hùng.
Hành động trở về làng hoang nhà cũ của Đăm Săn cho thấy quan niệm của người Ê-đê: quan niệm về người anh hùng, về danh dự, về bản làng.
4. Miêu tả: Toà nhà dài dằng dặc, voi vây chặt sàn sân, chiêng xếp đầy nhà ngoài, cổng chất đầy nhà trong, tôi trai tớ gái như ong đi lấy nước, như vò vẽ đi chuyển hoa…
Nhận xét: Cách miêu tả chi tiết, tỉ mỉ cho thấy sự tráng lệ của ngôi nhà nữ thần Mặt Trời. Đó là ngôi nhà giàu có vô cùng. Đây là lối miêu tả chậm rãi, tỉ mỉ rất điển hình của sử thi Tây Nguyên, giúp người nghe, người đọc có cảm giác như sống trong thế giới của câu chuyện, bị cuốn vào không khí hào hùng của sử thi và hồi hộp dõi theo từng bước chân của nhân vật.
5. Giúp em hiểu hơn về văn hóa, phong tục tập quán của người Ê-đê. Vì mỗi vùng miền có những nét văn hóa khác nhau. Đọc phần cước chú giúp bản thân dễ hình dung ra được những điều mà người viết nói đến. Đây là một trong những kĩ thuật đọc rất quan trọng để có thể hiểu một cách thấu đáo các tác phẩm thuộc thể loại sử thi.
6. Phân tích: Không gian nghệ thuật trong đoạn trích là không gian vô cùng rộng lớn, khoáng đãng và tự nhiên. Nhà là nơi sinh hoạt, là nơi diễn ra các lễ nghi, tập quán của con người, còn rừng là không gian của tự nhiên với sự hoang dã, chân chất, nhưng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Đến với bầu trời là một không gian có khoảng cách lớn so với mặt đất – nơi con người sinh sống, tuy vậy, chúng ta vẫn có thể lên tới được. Cuối cùng là con đường – đây là không gian nối ngôi nhà, rừng, trời và con người lại với nhau. Hành trình của nhân vật trên đường luôn là một hành trình nhiều chông gai, thử thách, nhưng là hành trình vượt thoát ra khỏi những đường biên giới an toàn, thân thuộc để khám phá những không gian hoang dã, bí ẩn, chinh phục các thế lực siêu nhiên, khẳng định sức mạnh và lòng dũng cảm, bản lĩnh và ý chí tự do của con người. Sử thi chính là một bảo tàng sống động không chỉ tái hiện toàn bộ đời sống vật chất mà còn cả cách tư duy, quan niệm, khát vọng tinh thần của người xưa.
Quan niệm: Con người luôn muốn chinh phục những điều lớn lao, kì bí. Họ muốn vượt ra vùng an toàn để tìm kiếm những điều mới mẻ, hay ho đang chờ đợi ở phía trước. Từ đó chứng tỏ được bản lĩnh, sức mạnh, ý chí của con người.
7. Ở đây, thái độ của người kể chuyện với nhân vật và câu chuyện được kể được thể hiện gián tiếp qua các lời kể, lời miêu tả về nhân vật, bằng thủ pháp khoa trương, phóng đại như đã phân tích ở trên, đồng thời cũng được thể hiện một cách trực tiếp qua các ngữ cố định, qua những lời bình luận trực tiếp. Đối với đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-dro-mac, thái độ người kể chuyện hiện lên trang nghiêm, thể hiện sự thành kính.
=> Sử thi là câu chuyện về quá khứ thiêng liêng, có một khoảng cách tuyệt đối với thế giới hiện tại. Người kể chuyện sử thi là người có nghĩa vụ nuôi dưỡng những giá trị truyền thống và truyền thụ nó cho đời sau.