Đề thi môn Ngữ Văn kì thi THPT Quốc gia 2017 có gì đặc biệt?

Thông qua ba đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, chúng ta nhận thấy những thay đổi quan trọng trong đề thi môn Ngữ Văn năm nay. ConKec xin tóm tắt những nội dung quan trọng để các bạn thí sinh lưu ý và có cách ôn tập nhanh chóng, hiệu quả phục vụ cho kì thi sắp tới nhé!

1. Cấu trúc đề thi Ngữ Văn 2017

Căn cứ vào đề thi chính thức và minh họa môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta thấy cấu trúc của đề thi năm nay có điểm khác biệt so với những năm trước. Cấu trúc đề thi THPT quốc gia môn Văn gồm có 2 phần:

Phần 1: Đọc hiểu (3 điểm). Đề thi minh họa có 4 câu hỏi đọc hiểu văn bản thông tin và văn bản nghệ thuật.

Phần 2: Làm văn (7 điểm) gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học đánh giá ở mức độ vận dụng cao.

  • Nghị luận xã hội (2 điểm): Đề văn yêu cầu thí sinh bàn bạc, nêu ý kiến của mình về một tư tưởng, đạo lí, một vấn đề chính trị- xã hội hoặc một hiện tượng đời sống. Theo đề thi minh họa của Bộ, câu hỏi dạng NLXH năm nay có thể là một vấn đề đặt ra từ phần Đọc – Hiểu.
  • Nghị luận văn học (5 điểm): Câu hỏi nghị luận văn học rất đa dạng về nội dung và cách hỏi. Đề văn có thể yêu cầu các em phân tích, cảm nhận về một tác phẩm văn học hoặc một đoạn trích; phân tích vấn đề nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm; bình luận về một ý kiến bàn về văn học hoặc so sánh văn học… Các tác phẩm thi tập trung vào chương trình Ngữ Văn 12.

- Thời gian thi năm nay là120 phút, các bạn nên căn thời gian và số điểm các câu để tránh bị thiếu thời gian khi làm bài

2. Những kiến thức trọng tâm cần lưu ý

Thứ nhất, trong đề thi đổi mới từ năm nay, phần đọc hiểu chỉ còn 4 câu hỏi, yêu cầu chủ yếu của đề thường tập trung vào:

  • Ở mức độ vận dụng thấp: Đề thường yêu cầu chỉ ra văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nào? Phương thức biểu đạt là gì? Thao tác lập luận nào? Phép tu từ, liên kết gì?  Lỗi gì về tạo lập văn bản?...
  •  Ở mức thông hiểu: Câu hỏi thường yêu cầu là xác định nội dung, chủ đề, bố cục của văn bản; đặt nhan đề cho văn bản; nêu tác dụng của phép tu từ nào đó; hoặc trích một vài câu của văn bản và yêu cầu thí sinh giải thích, nêu sự thông hiểu về nó...

Thứ hai, phần viết đoạn văn ngắn  đề đổi mới năm nay thường theo dạng tích hợp với văn bản đọc hiểu. Lưu ý quan trọng dù chỉ là một đoạn văn ngắn 200 chữ nhưng bạn vẫn cần một bố cục rõ ràng gồm 3 phần:

  • Mở đoạn (dẫn dắt vấn đề)
  • Thân đoạn (giải quyết  vấn đề)
  • Kết đoạn ( Bài học rút ra, liên hệ với bản thân)

Bạn cần chuẩn bị trước một số chủ đề quen thuộc trong đời sống và hay xuất hiện trong đê thi như: Lựa chọn nghề nghiệp, vai trò của tri thức, kỹ năng; sức mạnh của ý chí; tầm quan trọng của cá tính; bạo lực học đường; gian lận trong thi cử; các truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc; kỹ năng giao tiếp hay các vấn đề bảo vệ môi trường…

Thứ ba, phần nghị luận văn học, chúng ta cần có cái nhìn hệ thống bao quát toàn bộ giới hạn nội dung ôn thi. Lưu ý cần nắm được từng tác phẩm thuộc giai đoạn nào của quá trình phát triển văn học; tác phẩm nào thuộc thời kì nào (chống Pháp, chống Mỹ hoặc thời kì đổi mới sau năm 1975)... để từ đó có cơ sở hiểu đúng nội dung tư tưởng, quan điểm thẩm mỹ, nghệ thuật... của từng tác phẩm và bao trùm tác phẩm.

Cách học hiệu quả nhất đó là chúng ta ôn các bài theo thể loại:

  • Kịch: phải chú ý đến các mâu thuẫn xung đột kịch (vì bản chất của kịch là xung đột, mâu thuẫn), và từ các mâu thuẫn ấy phải rút ra ý nghĩa gì? (Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Lưu Quang Vũ
  • Truyện ngắn: các dạng đề thường gặp là phân tích nhân vật, tình huống truyện, một khía cạnh nội dung hoặc nghệ thuật của truyện. Các tác phẩm lưu ý là Người lái đò sông Đà, Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa.
  • Thơ: phân tích một đoạn thơ tiêu biểu của bài thơ, hình tượng trong thơ. Các tác phẩm gồm Tây Tiến, Việt Bắc, Đất Nước, Sóng.
  • So sánh hai nhận vật, hai đoạn thơ, hai đoạn văn: Đây là dạng bài khó, đòi hỏi chúng ta cần phân tích sau đó chỉ ra được những điểm tương đồng và khác biệt. Ví dụ như so sánh hình tượng người lính qua bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc, hình tượng con sông Đà và sông Hương….

3. Những bí quyết để bài văn đạt điểm cao

Nắm chắc kiến thức trọng tâm: Cố gắng nắm vững ý chính của các tác phẩm và nên vẽ dạng sơ đồ tư duy để nhanh thuộc

Có cách mở bài chung cho tất cả các tác phẩm: Việc suy nghĩ một mở bài thường khiến chúng ta mất thời gian. Vì vậy, chúng ta có thể chuẩn bị trước ở nhà một mở bài hay và ấn tượng để có thể áp dụng ngay khi làm bài thi là điều cần thiết. Mở bài hay sẽ giúp các bạn “ghi điểm” với giám khảo chấm thi.

Nói có sách, mách có chứng: Các bạn không nhất thiết phải rập khuôn theo bài giảng của thầy cô hay lối hiểu truyền thống trước nay; sự sáng tạo trong lối bình luận của các bạn có thể mang lại nét riêng, khó lẫn và chắc chắn ghi điểm trong mắt giám khảo. Tuy nhiên các bạn đưa ra bất cứ quan điểm nào cũng phải có lí lẽ rõ ràng, tường minh, thuyết phục, dẫn chứng cụ thể; nếu bản thân mơ hồ thì tốt nhất là không viết vào bài thi vì có thể sẽ có tác dụng ngược. 

Trình bày rõ ràng, chữ viết sạch sẽ: cần chú ý hệ thống luận đểm, luận cứ, lập luận và dẫn chứng linh hoạt, mỗi đoạn văn thường có một luận điểm chính vì vậy chúng ta  cần triền khai theo luận điểm của mình thành nhiều luận cứ nhỏ để làm sáng tỏ các ý. 

Không nên viết bài thi ra nháp sẽ gây mất nhiều thời gian. Khi nhận đề thi, bạn cần gạch chân những cụm từ chính để nắm rõ yêu cầu của đề vàc nên gạch ra nháp các ý chính để tránh thiếu ý khi làm bài.

Cuối cùng, các bạn cần giữ một tình thần thoải mái, tránh bị áp lực quá nhiều. Bài văn hay không thể thiếu đi cảm xúc, những câu văn súc tích và ngôn từ rõ nghĩa. Chính yếu tố cảm xúc của người viết trong bài thi sẽ giúp bạn dành được điểm thi cao từ giám khảo.

 

 Kì thi THPT Quốc gia không còn quá xa, việc ôn tập lại các kiến thức trọng tâm của từng môn học và luyện tập các đề thi là điều cần thiết bạn cần làm trong thời gian ngắn ngủi này. ConKec chúc các bạn bình tĩnh - tự tin để "hóa rồng" thành công trong kì thi sắp tới!

Xem thêm các bài Tin giáo dục, hay khác: